Chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng bền vững
Thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2025 "Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số", tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số với 3 nội dung: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong quảng bá du lịch
Để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh là xu thế tất yếu và là một trong những định hướng ưu tiên của ngành du lịch tỉnh nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, nâng tầm trải nghiệm của du khách; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Từ năm 2023, tỉnh đã đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh trên nền tảng IOS và Android. Với ứng dụng này, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm mọi thông tin về du lịch Vĩnh Phúc như: Giới thiệu tổng quan về đất và người Vĩnh Phúc; các điểm đến chia theo từng loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử hay du lịch tâm linh; nơi lưu trú; nhà hàng, quán ăn cùng nhiều tiện ích khác. Đến nay, Cổng thông tin du lịch thông minh Vĩnh Phúc đã có hơn 1 triệu lượt truy cập. Người dùng truy cập nhiều nhất là khám phá bản đồ số và ngắm nhìn Vĩnh Phúc thông qua tour tham quan ảo 360 độ. Trong đó, tour tham quan ảo 360 độ và bản đồ số về du lịch, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới dưới nhiều góc độ thông qua hệ thống hình ảnh, âm thanh đa dạng, sống động, tạo thuận lợi cho du khách trong việc sắp xếp lịch trình, lựa chọn phương tiện, điểm đến phù hợp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng và đăng tải nhiều video, clip, hình ảnh về các địa điểm tham quan lý tưởng, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ hay những món ăn đặc sản, tiêu biểu trên các kênh fanpage, nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh, cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ thanh toán trực tuyến… góp phần nâng tầm trải nghiệm cho du khách. Nhờ đó, du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển; năm 2024, toàn tỉnh đón và phục vụ 10,6 triệu lượt du khách, tăng 14% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023. Riêng quý I/2025, toàn tỉnh đón trên 2,8 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.
Cũng như vậy, để góp phần mang đến sự hài lòng của người dân, những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị và khám, chữa bệnh. Hệ thống thiết bị hiện đại được đầu tư, nâng cấp hằng năm, giúp chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm thương tổn người bệnh như: Hệ thống cộng hưởng từ 1,5 Tesla; hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) phục vụ khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu não; hệ thống chụp SPECT/CT phục vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý ung bướu; hệ thống phẫu thuật nội soi, kính hiển vi phẫu thuật, nội soi phế quản, nội soi dạ dày, đại tràng… Đặc biệt, các kỹ thuật chuyên sâu tại bệnh viện được thực hiện hiệu quả như: Lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt chỉ huy, điều trị nhồi máu não đến sớm bằng Alteplase; kỹ thuật nút mạch điều trị u gan, các kỹ thuật nút phình động mạch não - lấy huyết khối mạch não, kỹ thuật khoan phá mảng xơ vữa vôi hóa động mạch vành, chụp và đặt stent động mạch; phẫu thuật cắt gan lớn; cắt khối tá tụy; phẫu thuật vi phẫu mạch máu thần kinh; phẫu thuật bơm xi măng cột sống; phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống; thay khớp háng - khớp gối nhân tạo, kỹ thuật nối chi thể đứt rời hoàn toàn...
Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 lượt người đến khám bệnh, với hơn 1.000 người bệnh điều trị nội trú, thời kỳ cao điểm lên tới hơn 1500 lượt người bệnh/ngày. Là đơn vị y tế đầu tiên trong tỉnh thực hiện thành công bệnh án điện tử, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý viện phí, quản lý dược, hệ thống xét nghiệm (LIS), hệ thống chẩn đoán hình ảnh (PACS); đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm quản lý liên thông dữ liệu và kết nối khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội tỉnh. Đồng thời, thực hiện đăng ký khám bệnh từ xa qua các kênh tổng đài đăng ký khám bệnh miễn phí 1800 969 626, qua website, app, góp phần rút ngắn quy trình đăng ký khám bệnh. Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, bệnh nhân được hẹn giờ trả kết quả khám cận lâm sàng, khi kết quả được trả về phòng khám, người bệnh cũng nhận được thông báo qua tin nhắn SMS qua số điện thoại cá nhân. Bệnh viện cũng triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, thanh toán viện phí thông qua quét mã QR tạo các điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Đến nay, bệnh viện đã đạt cơ bản 17/17 tiêu chí bệnh viện thông minh theo Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 54 của Bộ Y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là đơn vị y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh được nhận Chứng chỉ công nhận về “Hệ thống Quản lý chất lượng phòng xét nghiệm” của Bộ Y tế; là một trong số ít các bệnh viện tuyến tỉnh trong hệ thống cơ sở y tế công lập trên cả nước đã xây dựng, hoàn thiện và được công nhận chất lượng tại cùng một thời điểm ở đa lĩnh vực xét nghiệm: Hóa sinh, vi sinh, huyết học và truyền máu...

Ứng dụng phần mềm PACS trong chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động, khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực, phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin…Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được UBND tỉnh giao, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban; gắn với trách nhiệm người đứng đầu, các đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu được giao.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số của tỉnh từng bước đi vào thực chất, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet; mạng 3G, 4G đã phủ 100% khu vực trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 60 trạm 5G. 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định để phục vụ công tác chuyên môn; đã thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến các đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã. Trung tâm Dữ liệu của tỉnh được đầu tư đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng thanh toán tập trung quốc gia và gần 20 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan Trung ương và địa phương. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện có 1.865 dịch vụ công, trong đó có 954 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 645 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử của tỉnh năm 2024 đạt hơn 71%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt gần 71%.
Bên cạnh đó, kinh tế số và xã hội số của tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2024 đứng thứ 5 các tỉnh, thành phố; trong đó, tỷ trọng kinh tế số chiếm 26,8% và tỷ trọng kinh tế số lõi là 23%, vượt mục tiêu đề ra 20%. Toàn tỉnh đã có hơn 762.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt, đạt tỷ lệ 77% người dân đủ điều kiện, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. 100% các đơn vị trường học, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện nâng cấp phần mềm khám chữa bệnh HIS và đầu tư thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID…
Tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo động lực tăng trưởng bền vững, tỉnh đã đặt mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025 có 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, bảo đảm an toàn thông tin; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình có đủ điều kiện được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt tối thiểu 60%; tỷ lệ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp dưới dạng điện tử đạt tối thiểu 80%. Đồng thời, 100% doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tối thiểu 80%...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển hạ tầng viễn thông bảo đảm không còn vùng lõm sóng di động 3G, 4G và mở rộng vùng phủ sóng mạng di động 5G; bảo đảm hạ tầng viễn thông và internet phục vụ chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, địa phương; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ. Nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm Dữ liệu của tỉnh bảo đảm phù hợp với các quy định của Trung ương; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển nhân lực số, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, lực lượng chuyên trách bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước…
Hồng Yến (tnxmai)
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc