SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam – Hạn chế, thách thức và cơ hội

[09/05/2025 09:30]

“Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên công nghệ số, giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu cấp bách về đổi mới để phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số (CĐS)” - Lâm Việt Tùng, Chuyên gia tư vấn CNTT cho Rabobank tại Hà Lan

Trong bài viết “Giáo dục Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số: Thực trạng, thách thức và giải pháp đột phá” đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông năm 2025, tác giả đã chỉ ra nhiều yếu tố liên quan đến công tác chuyển đổi số cho Giáo dục Việt Nam. Trong đó, đề cập đến các hạn chế, thách thức và cơ hội của Giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Hạn chế trong hệ thống giáo dục:

Chênh lệch về điều kiện học tập: Vùng sâu, vùng xa, và các khu vực kinh tế khó khăn vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng giáo dục và công nghệ như chưa có kết nối Internet hoặc các thiết bị học tập cần thiết.

Chất lượng giáo dục không đồng đều: Chất lượng giáo dục vẫn chưa đồng đều giữa các trường học, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Một số trường học ở đô thị đã triển khai lớp học thông minh, trong khi các trường khác vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống.

Hạn chế về đội ngũ giáo viên: Phần lớn giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng công nghệ, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn. Một số giáo viên vẫn duy trì lối dạy học cũ, thiếu sự tương tác và sáng tạo.

Nội dung giáo dục chưa đổi mới: Chương trình giảng dạy tại nhiều cấp học chưa được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên số. Các môn học về tư duy phản biện, sáng tạo, và kỹ năng số vẫn còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đúng mức.

Hạn chế trong ứng dụng công nghệ số: Việc tích hợp công nghệ vào giáo dục thường gặp trở ngại từ khả năng sử dụng của giáo viên, học sinh cho đến hạn chế về nguồn lực tài chính.

Thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy CĐS: Cả ở cấp độ tổng thể lẫn trong ngành GDĐT, vẫn còn nhiều khoảng trống.

Ngoài ra, ngành GDĐT hiện vẫn chưa có kiến trúc CNTT tổng thể, dẫn đến thiếu sự định hướng và đồng bộ trong triển khai. Do thiếu các định hướng trên, các dự án CNTT trong ngành GDĐT hiện nay đang phát triển rời rạc, thiếu kết nối, gây lãng phí tài nguyên và hiệu quả đạt được không cao.

Các thách thức lớn:

Hạ tầng công nghệ không đồng bộ: Nhiều địa phương chưa được kết nối Internet tốc độ cao hoặc không có đủ thiết bị công nghệ như máy tính, máy chiếu, hoặc bảng tương tác. Việc nâng cấp hạ tầng yêu cầu nguồn lực lớn, đặc biệt tại các khu vực kinh tế khó khăn.

Thiếu đội ngũ giáo viên giỏi công nghệ: Nhiều giáo viên chưa quen thuộc với các công cụ giảng dạy số và các phương pháp dạy học tích hợp công nghệ. Cần thời gian và chi phí lớn để đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Nguồn tài chính hạn chế: Đầu tư vào CĐS đòi hỏi chi phí lớn, bao gồm thiết bị, phần mềm, và hạ tầng công nghệ. Trong khi đó, ngân sách giáo dục vẫn còn hạn chế so với các nước phát triển.

Tâm lý e ngại thay đổi: Một số giáo viên, phụ huynh và thậm chí cả học sinh chưa sẵn sàng chuyển từ mô hình học tập truyền thống sang môi trường học tập số.

Các cơ hội lớn:

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ: Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm công nghệ tại Đông Nam Á với sự phát triển của các công ty công nghệ lớn như FPT, VNPT, và nhiều startup trong lĩnh vực EdTech.

Nguồn nhân lực trẻ và năng động: Dân số trẻ của Việt Nam tiếp cận nhanh với các công nghệ mới, từ mạng xã hội đến các công cụ học tập trực tuyến.

Hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế: Các tổ chức như UNESCO, UNICEF, và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang hỗ trợ các dự án giáo dục số tại Việt Nam thông qua việc tài trợ và cung cấp chuyên gia tư vấn.

Chính sách khuyến khích từ chính phủ: Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chiến lược như Đề án Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giáo dục.


htquyen

Theo tạp chí Thông tin và Truyền thông
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ