Thuốc kháng sinh: Khi vị cứu tinh thành con dao hai lưỡi
Thuốc kháng sinh đang được xem như một giải pháp "nhanh - gọn - lẹ" cho mọi cơn đau nhỏ. Thế nhưng, khi thói quen ấy lan rộng, chúng ta có thể đối mặt với một tương lai u ám, nơi thuốc mất tác dụng, và bệnh tật vượt khỏi tầm kiểm soát.
Người ta thường dễ xem nhẹ đóng góp của cá nhân trong vấn đề kháng kháng sinh vì cho rằng nó quá nhỏ bé so với tổng thể. Ảnh minh họa: Shutterstock
Lỗ hổng hiểu biết
Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng một cách đáng báo động ở Việt Nam. Đơn cử như tỷ lệ kháng với carbapenem – nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay – đã lên đến 50% ở một số vi khuẩn. Trong khi nhiều quốc gia vẫn còn sử dụng kháng sinh thế hệ đầu tiên, thì tại Việt Nam, các bác sĩ đã phải dùng đến kháng sinh thế hệ ba và bốn để đạt được hiệu quả tương tự. Điều này báo hiệu một tương lai đầy nguy cơ: Có thể chỉ trong vòng vài chục năm tới, chúng ta sẽ “không còn thuốc để dùng”.
Nguy cơ lớn đó có liên quan gì tới lối sống hằng ngày của chúng ta? Thực tế, chúng liên quan rất nhiều: Mỗi lần chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý thì nguy cơ tạo ra vi khuẩn kháng thuốc lại tăng lên. Những vi khuẩn kháng thuốc này có thể lây lan sang người thân và cộng đồng, tạo thành một ‘kho’ vi khuẩn khó trị. Khi ai đó bị nhiễm trùng, nếu gặp đúng loại vi khuẩn kháng thuốc thì thuốc kháng sinh cho loại đó sẽ không còn hiệu quả nữa, và việc điều trị trở nên khó khăn.
Các nghiên cứu đã điều tra nhận thức về tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam và phơi bày một loạt lỗ hổng. Dữ liệu trung bình cho thấy, chưa đầy 1/3 người dân có kiến thức “tốt” về sử dụng kháng sinh. Rất ít người đã nghe nói về kháng kháng sinh và chỉ dưới 1/5 người dân biết rằng việc sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến kháng kháng sinh. Một số người được khảo sát thậm chí nghĩ rằng kháng kháng sinh là cơ thể trở nên “nhờn thuốc”, thay vì vi khuẩn trở nên “nhờn thuốc”.
Nhưng lỗ hổng kiến thức dường như không phải là vấn đề chính. Theo một báo cáo trên tạp chí BMJ Global Health, có không ít thành viên trong cộng đồng hiểu rủi ro kháng kháng sinh là nguy cơ cá nhân bị tổn hại bởi thuốc kháng sinh hoặc trở nên miễn dịch với kháng sinh, nhưng không nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng rộng lớn hơn. Ví dụ, các bà mẹ thường nói: “Con tôi đã quen với việc dùng thuốc kháng sinh. Thuốc ho và những thứ tương tự không còn tác dụng nữa. Bây giờ tôi chỉ có thể sử dụng kháng sinh khi chúng ốm”. Nhưng ít ai nhận ra rằng vấn đề này có thể tạo ra nguy cơ kháng kháng sinh cho những người khác.
Trên thực tế, đa số chúng ta không nghĩ rằng mình đã dùng quá nhiều kháng sinh hay việc dùng kháng sinh của mình là không cần thiết. Ta thường cho rằng vấn đề là do người khác - bác sĩ kê đơn quá nhiều, việc mua thuốc không có đơn quá dễ, việc quản lý thuốc quá lỏng lẻo, những người khác dùng kháng sinh một cách bừa bãi, hoặc hệ thống y tế không giải quyết được vấn đề này một cách trọn vẹn.
Không rõ tại sao mọi người không nghĩ rằng cá nhân họ đang góp phần vào tình trạng kháng kháng sinh. Có thể là vì có quá nhiều yếu tố gây ra vấn đề này – như việc dùng kháng sinh trong y tế, chăn nuôi, và môi trường – nên cá nhân mỗi người dễ cảm thấy việc mình làm chỉ là một “giọt nước giữa đại dương”, không đáng kể. Ngoài ra, hậu quả của kháng kháng sinh thường được xem là điều gì đó xa vời, không cụ thể. Khi các hậu quả bị nói đến một cách trừu tượng, phi cá nhân, con người sẽ dễ nghĩ rằng “chuyện đó sẽ không xảy ra với mình”.
Động lực kinh tế-xã hội
Nghiên cứu trên tạp chí BMJ Global Health đã phỏng vấn sâu 50 thành viên trong cộng đồng theo cả hình thức 1-1 và theo nhóm (ví dụ: các cặp vợ chồng, chị em, cha mẹ và con cái), từ đó bóc tách rõ nét động lực sử dụng kháng sinh của người dân Việt Nam.
Thứ nhất, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn mạnh mẽ của quan niệm về sự ưu việt của “thuốc Tây” - những loại thuốc được tin là mạnh hơn, tác dụng nhanh hơn, có hiệu quả hơn, dễ uống hơn so với các loại “thuốc cổ truyền”, vốn bị cho là tác dụng chậm, không chắc chắn, và khó sử dụng.
Thứ hai, đa số mọi người cũng ưu tiên kiểm soát triệu chứng hơn là tìm hiểu nguyên nhân và điều trị dứt điểm bệnh. Vì vậy, kháng sinh được xem là giải pháp tối ưu giúp làm giảm nhanh triệu chứng chỉ trong 2–3 ngày, từ đó hạn chế gián đoạn công việc và sinh hoạt hằng ngày.
Hơn nữa, người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên dùng kháng sinh vì giá rẻ, dễ mua và tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe, nhất là với các bệnh nhẹ “không đáng để đi khám”. Một số người tài chính eo hẹp còn cho rằng, dù một vài loại kháng sinh là khá đắt thì chi phí mua lẻ vẫn thấp hơn nhiều so với việc tiếp cận hệ thống y tế - vốn được xem là rườm rà, mất thời gian, gây phiền toái và có thể không mang lại kết quả như mong muốn. Họ giả định rằng nếu đi khám, bác sĩ cũng chỉ kê kháng sinh - giống như họ tự mua - hoặc thậm chí tệ hơn là từ chối kê đơn (vì hệ thống y tế đang ngày càng siết chặt việc sử dụng thuốc này). Vì vậy, họ chọn cách lách qua hệ thống y tế chính quy bằng cách mua kháng sinh trực tiếp từ các dược sĩ sẵn lòng bán không cần đơn.
Cuối cùng là niềm tin xã hội về hiệu quả của kháng sinh. Trải nghiệm cá nhân hoặc từ người thân, bạn bè (như cha mẹ từng mua cho uống) trở thành “bằng chứng sống” để chúng ta tin tưởng và tự quyết định mua lại thuốc mà không cần hỏi bác sĩ. Khi một người thấy thuốc có hiệu quả, họ sẽ kể lại và giới thiệu, truyền tai cho người khác. Những người bán thuốc hay đưa ra lời khuyên cũng được tin tưởng nếu thuốc họ giới thiệu giúp bệnh thuyên giảm. Vòng tròn này làm kháng sinh trở thành biểu tượng đáng tin cậy của chăm sóc sức khỏe, dẫn đến việc mua và sử dụng rộng rãi cho nhiều loại triệu chứng khác nhau, thậm chí trong cả những trường hợp mà thuốc kháng sinh thực sự không có tác dụng (như các bệnh về virus như cảm cúm).
Người dân Việt Nam đang xem thuốc kháng sinh như một “dịch vụ y tế nhanh” - một cách tự chữa trị nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh hệ thống y tế chính thức. Việc mua kháng sinh không cần đơn cho thấy xu hướng “dược phẩm hóa chăm sóc”, tức dùng thuốc thay cho chăm sóc y tế lâm sàng. Do vậy, việc giải quyết tình trạng kháng thuốc trong bối cảnh Việt Nam không chỉ đơn giản là nâng cao nhận thức, mà còn phải đưa ra một con đường chăm sóc sức khỏe thay thế đủ hiệu quả và thuận tiện để người dân không còn phải phụ thuộc vào kháng sinh như một giải pháp chữa bệnh nhanh và rẻ.
|
Có thể làm gì?
“Phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng, dù có chỉ định lâm sàng hay không, thuốc kháng sinh đều được người dân đánh giá cao, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và giúp họ đạt được ‘sức khỏe tốt’ như mong đợi”, các tác giả trong nghiên cứu trên BMJ Global Health nhấn mạnh. Điều đó cho thấy việc người dân sử dụng kháng sinh phần lớn xuất phát từ cách họ nhìn nhận dịch vụ y tế hiệu quả dưới góc độ xã hội và kinh tế, chứ không hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học hay y học.
Nói cách khác, người dân Việt Nam đang xem thuốc kháng sinh như một “dịch vụ y tế nhanh” – một cách tự chữa trị nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh hệ thống y tế chính thức. Việc mua kháng sinh không cần đơn cho thấy xu hướng “dược phẩm hóa chăm sóc”, tức dùng thuốc thay cho chăm sóc y tế lâm sàng.
Điều này đưa ra một gợi ý chính sách, rằng giải quyết tình trạng kháng thuốc trong bối cảnh Việt Nam không chỉ đơn giản là nâng cao nhận thức, không khuyến khích sử dụng kháng sinh và thực thi luật pháp quản lý một cách chặt chẽ hơn, mà còn phải đưa ra một con đường chăm sóc sức khỏe thay thế đủ hiệu quả và thuận tiện để người dân không còn phải phụ thuộc vào kháng sinh như một giải pháp chữa bệnh nhanh và rẻ.
____________________
Tài liệu tham khảo:
Shannon McKinn, Duy Hoang Trinh, Dorothy Drabarek, Thao Thu Trieu, Phuong Thi Lan Nguyen, Thai Hung Cao, Anh Duc Dang, Thu Anh Nguyen, Greg J Fox, Sarah Bernays, (2021), “Drivers of antibiotic use in Vietnam: implications for designing community interventions”, BMJ Global Health 2021; 6: e005875. DOI: https://doi.org/10.1136/bmjgh-2021-005875
____________________
https://khoahocphattrien.vn (pcmy)