SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

“Truyền thông trong quá trình sáp nhập: Chất keo gắn kết mọi thứ”

[15/05/2025 09:45]

Theo chuyên gia truyền thông Káp Thành Long, Thạc sĩ truyền thông tại Đại học Melbourne, Australia: Trong bối cảnh các đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được nghiên cứu, thí điểm và triển khai, vai trò của truyền thông trở nên đặc biệt quan trọng – không chỉ là kênh thông tin mà còn là chất keo gắn kết, giúp chuyển biến tư duy, hóa giải khác biệt và tạo nền tảng đồng thuận xã hội.

Đi trước một bước để đồng thuận đi cùng

Sáp nhập tỉnh không chỉ là bài toán hành chính, mà còn là một cuộc “đổi đời” về tư duy, tổ chức, con người và bản sắc. Chính vì vậy, truyền thông phải đi trước một bước – không phải để “thuyết phục”, mà là để “khai thông”, để tạo ra không gian đối thoại và sự thấu hiểu giữa các bên liên quan.

Một trong những thách thức lớn là khoảng cách về trình độ và quy mô kinh tế giữa các tỉnh sáp nhập. Nếu không được giải thích rõ ràng, điều này có thể tạo ra tâm lý “tỉnh giàu phải gánh tỉnh nghèo”, hay sự tự ti, mặc cảm từ phía địa phương yếu thế hơn.

Bên cạnh đó, khác biệt về văn hóa, dân tộc, tôn giáo cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu lầm hoặc chia rẽ nếu không có chiến lược truyền thông bài bản, xuyên suốt và có tính bao trùm.

Tư duy – Bộ máy – Dư luận: Truyền thông phải đồng hành từ gốc

Sự sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo sau sáp nhập là vấn đề nhạy cảm. Nếu truyền thông không kịp thời tham gia vào công tác tư tưởng, rất dễ nảy sinh tâm lý chống đối hoặc không hợp tác. Do đó, cần xây dựng đội ngũ truyền thông chuyên trách về sáp nhập, với sự tham gia của các cơ quan báo chí, Ban Tuyên giáo – Dân vận và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể, tạo nên “dòng chảy” thông tin xuyên suốt từ cấp tỉnh tới cơ sở, từ cán bộ tới người dân, từ mạng xã hội tới báo chí truyền thống.

Đa kênh – Đa dạng – Đa chiều

Truyền thông về sáp nhập cần vận hành linh hoạt trên nhiều nền tảng:

  • Truyền thông chéo: Giới thiệu lẫn nhau giữa các tỉnh thông qua các chuyên mục trên báo chí, các chiến dịch video, clip ngắn về kinh tế - văn hóa – con người.
  • Mạng xã hội: Tận dụng Facebook, YouTube, TikTok, kết hợp với các KOLs, người ảnh hưởng địa phương để lan tỏa thông điệp tích cực.
  • Kết nối thực tế: Tổ chức các chuyến xe buýt “kết nối sáp nhập”, các lễ hội chung, giao lưu thể thao, văn hóa, thăm quan doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giữa các địa phương.
  • Truyền thông cơ sở: Thông qua báo cáo viên, loa truyền thanh, pano, nội dung đa ngôn ngữ để truyền tải chủ trương đến tận thôn bản, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Giám sát dư luận: Ứng dụng công nghệ số để phát hiện sớm, xử lý thông tin sai lệch, đồng thời thiết lập các kênh phản ánh giúp người dân được lắng nghe.

Chú trọng đối tượng truyền thông đặc biệt

Đối tượng truyền thông cần ưu tiên bao gồm giới trí thức, cán bộ lão thành, người có ảnh hưởng trong cộng đồng và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số – những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hình và lan tỏa dư luận xã hội. Sự ủng hộ từ họ sẽ là điểm tựa để tạo nên sự chuyển biến nhận thức sâu rộng trong cộng đồng.

Sáp nhập thành công nhờ truyền thông đồng hành

Sáp nhập chỉ thực sự trở thành động lực phát triển nếu đi cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Và truyền thông – nếu được tổ chức bài bản, sáng tạo, kịp thời – sẽ là nhân tố quyết định tạo nên sự đồng thuận ấy. Không chỉ đơn thuần là đưa tin, truyền thông cần trở thành một phần trong tiến trình chuyển đổi, nơi thông tin không chỉ chảy một chiều mà còn được lắng nghe, phản hồi và đồng kiến tạo.


htquyen (TH)

Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ