Cần Chuyển đổi số toàn diện hoạt động Sở hữu trí tuệ
“CĐS phải thiết kế lại quy trình phù hợp với một môi trường số. Không thay đổi quy trình thì đừng làm CĐS” – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý: Chuyển đổi số (CĐS) toàn diện hoạt động Sở hữu trí tuệ (SHTT), tăng cường thực thi công tác SHTT trên môi trường số…. đặc biệt liên quan đến công nghệ mới, công nghệ số. Hỗ trợ các DN khai thác thương mại SHTT. “CĐS phải thiết kế lại quy trình phù hợp với một môi trường số. Không thay đổi quy trình thì đừng làm CĐS”.

Cục SHTT hiện có gần 400 cán bộ, là đơn vị lớn. Cục muốn tuyển dụng thêm cán bộ nhưng theo Bộ trưởng, Cục cần nghiên cứu thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ. Trợ lý ảo có thể nhớ nhiều, “giữ” nhiều dữ liệu. Cùng với đó, cần xem xét việc luân chuyển cán bộ, xã hội hoá, thuê ngoài đối với một số công việc. Làm khéo các việc này, Cục có thêm hàng trăm người làm việc.
“Ít đơn vị nghĩ tăng người bằng công nghệ khi đây là cách tốt nhất. Việt Nam có một chiến lược là phát triển công nghiệp robot - tức là robot sẽ giúp tăng người. Công cụ xuất sắc năng suất sẽ tăng gấp đôi”, Bộ trưởng lưu ý.
Về công tác chuyển đổi số (CĐS), Bộ trưởng lưu ý cần làm tốt. Cục phải đặt mục tiêu CĐS lĩnh vực SHTT trong nhóm các quốc gia đi đầu về “nghề SHTT” - có thể đặt mục tiêu là trong top 30 thế giới. Trong ASEAN, SHTT Việt Nam cần phải vào Top 3. “Muốn ở trong các xếp hạng Top thì phải có dữ liệu. Phải chọn đối tác CĐS chiến lược, lâu dài để liên tục phát triển”.
Cục SHTT cần sớm kết hợp với Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) triển khai nhanh việc đăng ký đào tạo nghề SHTT để có thể tuyển sinh ngay đầu năm học mới 2025. “Nghề SHTT là một là nghề hay. PTIT cần tiên phong phải nhanh chóng mở ngành đào tạo này, giống như đã tiên phong mở các ngành công nghệ tài chính (fintech), multimedia, an toàn thông tin, thương mại điện tử…".
Cục SHTT cũng cần coi trọng truyền thông, tăng nhận thức về SHTT cho người dân, xã hội, DN để hiểu rõ về SHTT trong bảo vệ cạnh tranh. SHTT vẫn bị coi nhẹ nên việc dùng hàng giả, hàng nhái vô tư nên đất nước gặp khó phát triển.
Theo đó, Cục cần đẩy mạnh phối hợp các đơn vị truyền thông trong Bộ gồm báo VnExpress, Vietnamnet, Tạp chí, Trung tâm Truyền thông để truyền thông lĩnh vực SHTT. Cùng với đó, phải có cẩm nang về SHTT
Bộ trưởng cũng lưu ý hệ sinh thái SHTT không tách khỏi hệ sinh thái KHCN, ĐMST và CĐS. Phải có công cụ đo lường SHTT và cuối tháng 6 phải hoàn thành. “Phải coi trọng công tác đo lường. Không có bộ chỉ số đo lường thì khó đánh giá được sự phát triển của ngành, lĩnh vực”.
Bộ trưởng cũng nêu hệ thống thực thi quyền SHTT hiện chưa có, nhân lực chuyên sâu về SHTT trong các lực lượng thanh tra, hải quan, toà án, giải quyết tranh chấp kéo dài… còn thiếu. DN ít khai thác giá trị của thương mại của TSTT, ví dụ như nhượng quyền, cấp phép…. Theo đó, cần phải sửa đổi thể chế, đặc biệt là thực thi trên môi trường số để tăng năng lực khai thác TSTT.
Bộ trưởng cũng nêu hạn chế là số các văn bằng của Việt Nam lớn nhưng tỷ lệ thương mại, nhất là sáng chế thấp so với trung bình thế giới là 5%. Việt Nam đang là 0,1%. Các nước phát triển là 10%. “SHTT mới mang tính bảo vệ chưa được xem lài tài sản chiến lược, theo đó, SHTT phải được đẩy lên mức tài sản chiến lược của DN, của quốc gia để đạt tới tỷ lệ 80%”.
Cùng với đó, hạ tầng SHTT, hệ thống tra cứu thông tin, định giá TSTT, cho phép DN khai thác, viết phần mềm tạo ra giá trị để bán còn thiếu. Đặc biệt là thiếu các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tư vấn, bảo vệ, định giá thương mại hoá, tư vấn - phải có quy định ưu đãi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các công việc cần thực hiện là phổ cập nhận thức. Thứ hai là số hoá trong toàn bộ thực thi vừa là quản lý. Thứ ba, các công nghệ mới ra nhanh phải cập nhật kịp thời, đặc biệt là có hoạt động hỗ trợ tích cực cho khai thác TSTT.
“Nâng cao nhận thức là cái gốc của sửa luật. Nếu làm không đúng thì không có những cái tiếp theo. Trong luật có thể bổ sung nội dung đào tạo về SHTT từ bậc phổ thông, giáo dục đại học. Để tăng tài sản vô hình cho quốc gia thì phải đào tạo. Muốn đào tạo về SHTT phải luật hoá hoặc phải bổ sung module vào các chương trình đào tạo ĐMST”, Bộ trưởng yêu cầu.
Cơ sở dữ liệu phải sạch, mở để các bên có thể viết phần mềm, khai thác. Gắn SHTT với thị trường công nghệ nên sàn KHCN và SHTT là một “cặp song sinh”. Hãy lồng ghép SHTT vào 1 chương trình quốc gia để từ đó đi lên, ví dụ như chương trình OCOP, Bộ trưởng gợi mở.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục phải làm nhiều việc trong thời gian ngắn thì cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới để giải quyết một khối lượng lớn công việc. Cục lưu ý không thúc đẩy SHTT thì không có KHCN Việt Nam, không có thị trường, không có giao dịch.
Cuối cùng Bộ trưởng lưu ý về truyền thống hơn 40 năm của Cục. Một số tồn tại của Cục phải được xem như một cơ hội phát triển.
Theo Bộ trưởng, SHTT cùng với lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, KHCN, ĐMST và CĐS là 5 lĩnh vực chủ chốt của Bộ. Cục SHTT lưu ý việc này để thấy trách nhiệm lớn hơn rất nhiều./.
htquyen (TH)
Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông