Để AI thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, chúng ta cần song hành giữa đổi mới và trách nhiệm
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và AI (ABAII): để AI thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, chúng ta cần song hành giữa đổi mới và trách nhiệm. Là một chuyên gia đã đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp (DN) trong các chương trình CĐS, tôi nhận thấy AI chính là “đòn bẩy” chiến lược để Việt Nam tăng tốc CĐS và ĐMST.

Đầu tiên, có thể nói AI là công cụ “gia tốc” cho CĐS. Để triển khai AI, DN buộc phải chuẩn hóa dữ liệu, số hóa quy trình và tái cơ cấu mô hình kinh doanh. Chẳng hạn, khi một ngân hàng áp dụng AI để dự đoán rủi ro tín dụng, họ cần xây dựng nền tảng hồ dữ liệu (data lake), tự động hóa thu thập hồ sơ khách hàng và nâng cao chất lượng dữ liệu - từ đó toàn bộ hệ thống công nghệ được hiện đại hóa đồng bộ.
Hai là, AI sẽ gia tăng năng suất của con người thay vì thay thế. Người Việt Nam vốn sáng tạo, am hiểu văn hóa và linh hoạt ứng phó với bối cảnh. Đây là lợi thế mà máy móc không thể sao chép. AI sẽ giải phóng chúng ta khỏi những công việc thủ công, lặp đi lặp lại, để chuyên gia tập trung vào những nhiệm vụ đòi hỏi trực giác, sáng tạo và khả năng thấu cảm.
Ba là, AI mở ra vùng đột phá mới cho ĐMST. Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tạo nội dung sinh động và phân tích hình ảnh chuyên sâu, chúng ta có thể phát triển giải pháp y tế từ chẩn đoán hình ảnh X-quang, hệ thống giáo dục cá nhân hóa hay nhà máy thông minh. Từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm “Make in Viet Nam”.
Bốn là, AI thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái ĐMST. Khi Chính phủ khởi xướng các sandbox thử nghiệm công nghệ và mở dữ liệu thành “hơi thở” của nền kinh tế số, cộng đồng startup, viện nghiên cứu, DN và nhà hoạch định chính sách có thể trao đổi, hợp tác và tạo ra giá trị chung nhanh hơn.
Năm là, AI đồng hành cùng phát triển xanh, bền vững. Giống như “cây gậy thần” thúc đẩy thịnh vượng bền vững, AI giúp tối ưu năng lượng, quản lý tài nguyên và giảm phát thải - phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, xanh, bao trùm mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tóm lại, AI không chỉ là công nghệ mà còn là con đường để Việt Nam vươn lên, gia tăng sức cạnh tranh và kiến tạo tương lai phát triển bền vững. Để hiện thực hóa cơ hội này, chúng ta cần đầu tư đồng bộ về nhân lực, hạ tầng và chính sách, đồng thời duy trì tinh thần đổi mới, dám thử nghiệm và chia sẻ tri thức trong toàn xã hội.
Htquyen (TH)
Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông