Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel Global là niềm tự hào Việt Nam
Trao đổi với Viettel Global, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Viettel đã đi ra nước ngoài 20 năm, phấn đấu có tên trên bản đồ viễn thông thế giới và trở thành niềm tự hào của Việt Nam, cảm hứng cho nhiều người. Giờ đây Viettel Global cần tạo ra không gian mới, vừa nhanh, vừa bền vững trong chặng đường 10 năm tới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng bằng khen cho 10 công ty.
Vinh danh những công ty tiên phong vươn ra thế giới
Ngày 21/5/2025, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Bằng khen Bộ trưởng cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, 10 công ty nhận bằng khen, gồm: Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VTG) và các công ty trực thuộc gồm: Công ty Viettel Cambodia; Công ty Viettel Lào; Công ty Viettel Mozambique; Công ty Viettel Peru; Công ty Viettel Burundi; Công ty Viettel Myanmar; Công ty Viettel Haiti; Công ty Viettel Tanzania; Công ty Viettel Timor Leste.
Các Bằng khen của Bộ trưởng được trao tặng cho các DN theo quyết định được ký ngày 23/1/2025 về có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông.
Tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Hoa, Tổng Giám đốc VTG cho biết Tổng công ty đã đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006, từng bước mở rộng thị trường, đến nay được 19 năm. VTG đã hiện diện ở 10 thị trường và có khoảng 60 triệu thuê bao thực. Tổng doanh thu 1 năm của VTG hơn 3 tỷ USD, tương đương doanh thu viễn thông trong nước, trong đó 7/10 thị trường đứng số 1 về thị phần, 6/10 thị trường đã hoàn vốn. Đến thời điểm này, VTG và các công ty trực thuộc tự tin và có thể gọi là thành công khi mở rộng ra kinh doanh tại nước ngoài.
Có được kết quả như ngày hôm nay, Tổng giám đốc VTG nhận định nhờ hai nguyên nhân chính: Tầm nhìn xa kể từ ngày đầu thành lập đã dẫn đường chỉ lối cho sự phát triển và sự đóng góp của lãnh đạo, cán bộ ở các thị trường nước ngoài đã quả cảm, dũng cảm, hy sinh trong nhiều hoàn cảnh rất khó khăn. Haiti là một ví dụ điển hình khi "súng đạn" diễn ra hàng ngày. Tiếp đó, Myanmar gặp chính biến, động đất. Các thị trường khác cũng gặp nhiều khó khăn bất ngờ nhưng các công ty đều đã đảm bảo yêu cầu mà Tập đoàn Viettel giao và mang lại thành công.
Với ghi nhận của Bộ KH&CN và Bộ trưởng, Tổng giám đốc VTG cho biết đây là niềm tự hào, cũng là áp lực để VTG phấn đấu, cố gắng hơn nữa.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đánh giá, trong năm 2025, VTG và các đơn vị thành viên đã vượt qua nhiều thách thức, kết quả vượt mức mong đợi. Cuối năm 2025, dự kiến thu hồi vốn của VTG là hơn 70%, lợi nhuận tăng 4 lần, có 3 thị trường đứng vị trí số 1 về thị phần là Haiti, Myanmar và Mozambique. Viettel Peru khó khăn nhưng đã vươn lên vị trí số 2, vượt qua một số nhà mạng lớn. Viettel Mozambique có lợi nhuận tới 25 triệu USD từ phát triển ví, được xem là điểm sáng trong bức tranh khó khăn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng phát biểu.
Thành công nhờ tinh thần chiến binh
Chia sẻ với Viettel Global, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Viettel đã đi ra nước ngoài 20 năm, phấn đấu có tên trên bản đồ viễn thông thế giới và trở thành niềm tự hào của Việt Nam, cảm hứng cho nhiều người. Ai đi ra nước ngoài cũng có nhiều lo lắng và đã có người Việt Nam thành công ở nước ngoài thì sẽ khơi dậy sự tự tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi Lễ.
Cũng theo Bộ trưởng, nhờ đầu tư ở nước ngoài, Viettel đã trở thành thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà thế giới, giá trị thương hiệu đạt gần 9 tỷ USD. Đóng góp lớn của VTG đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận là nhờ về năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm, tinh thần quân đội, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
"Bộ KH&CN biểu dương và đánh giá cao VTG, người đứng đầu, cán bộ, nhân viên của Viettel ở các nước. Trong thời gian tới, VTG phải phát huy thành quả đạt được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đạt thành công này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định là nhờ có sự hội tụ nhiều yếu tố như nhân sự, kinh nghiệm, bản lĩnh, tinh thần làm gương, tinh thần chiến binh.
"Viettel từ ngày đầu không ngại đến những vùng đất khó khăn và ở lại. Những người dân ở nông thôn, ở nơi khó khăn được cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ biết ơn và trung thành với người ở bên cạnh họ".
Không đi chinh phục thế giới, thế giới sẽ đến chinh phục mình
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đi ra nước ngoài là để được cạnh tranh với những công ty xuất sắc nhất, VTG nên cạnh tranh tốt hơn. VTG phải có chiến lược và phải đi trước Viettel trong nước. Đi ra nước ngoài cũng học hỏi được nhiều thứ rồi quay về phát triển cho thị trường trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: VTG đi ra nước ngoài cũng là để giúp quảng bá Việt Nam ở các nước.
Hiện nay, Bộ trưởng cho biết nhiều DN trong nước, trong đó có DN công nghệ số cũng muốn đi ra nước ngoài, VTG có thể hỗ trợ thương mại hoá cho các DN Việt Nam khác bằng cách thành lập phòng thương mại quốc tế, đưa sản phẩm Việt Nam sang, đưa sản phẩm nước ngoài về Việt Nam.
Ngoài viễn thông còn có công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, đưa CNTT, AI vào mọi ngõ ngách cuộc sống, đào tạo số, nông nghiệp số và đưa các DN khác ra nước ngoài như đào mỏ, chế biến…
VTG đi ra nước ngoài cũng là để giúp quảng bá Việt Nam ở các nước. Viettel ở các nước nên có không gian số giới thiệu về Bác Hồ, đất nước Việt Nam… Đây có thể xem là chỗ để người dân các nước hiểu Việt Nam. Viettel ở các nước cũng cần là đầu mối để giới thiệu mô hình thành công của Việt Nam.
Bộ trưởng mong VTG tự tin, khát vọng hơn. Sự nghiệp của VTG đã có 10 năm khai phá, 10 năm củng cố và 10 năm tới tiến lên một giai đoạn mới. VTG cần chính thức công bố giai đoạn phát triển mới, hoàn toàn tự tin hơn, tấn công không gian mới, mở ra trang sử mới, huy hoàng hơn, vững vàng hơn, vừa nhanh vừa bền vững trong chặng đường 10 mới.
"VTG phải đi đầu ở Việt Nam trong câu chuyện chinh phục thế giới. Không đi thì không hoá rồng. Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục mình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.
Trung tâm Truyền thông KH&CN
https://mst.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-viettel-global-la-niem-tu-hao-viet-nam-197250522100425094.htm