Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Với tầm nhìn chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, Hậu Giang đã và đang từng bước khẳng định vai trò của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị nông sản, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân.

Cán bộ Khu NNƯDCNC Hậu Giang thăm mô hình trồng mít ruột đỏ tại hộ dân, kiểm tra quá trình bao trái nhằm bảo vệ khỏi sâu bệnh và nâng cao chất lượng nông sản.
Đòn bẩy phát triển nông nghiệp hiện đại
Khu NNƯDCNC Hậu Giang được thành lập từ năm 2012 với kỳ vọng trở thành hạt nhân thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Với diện tích gần 5.200ha, khu này không chỉ là nơi quy tụ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn là “vườn ươm” để các mô hình nông nghiệp công nghệ cao lan tỏa ra toàn tỉnh. Sau nhiều năm hoạt động, nơi đây đã dần phát huy vai trò là trung tâm nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến gần hơn với nông dân.
Tại đây, các mô hình sản xuất được xây dựng theo hướng đồng bộ, khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch đến bảo quản. Việc ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhà màng, cảm biến nhiệt độ - độ ẩm, phần mềm điều hành canh tác… đã giúp nông dân giảm thiểu rủi ro thời tiết, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất.
Điển hình như mô hình trồng mít ruột đỏ là một loại cây ăn trái có giá trị cao, được quy hoạch phát triển theo hướng chuyên canh tại khu vực huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp. Đây là loại cây dễ thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, cho trái quanh năm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo Ban Quản lý Khu NNƯDCNC, năm 2025, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình trồng mít ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao với quy mô 3ha tại huyện Long Mỹ. Trong đó, sẽ xây dựng mới từ 4 đến 6 mô hình tại các xã thuộc huyện Long Mỹ. Mục tiêu nhằm lan tỏa phương pháp sản xuất hiện đại, giúp người dân tiếp cận quy trình kỹ thuật tiên tiến, đạt chuẩn VietGAP.
Các hộ dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và vật tư đầu vào như cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hệ thống tưới tiết kiệm nước. Đặc biệt, quy trình trồng và chăm sóc cây mít ruột đỏ tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn kỹ thuật ban hành bởi Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Hậu Giang.
Song song với triển khai mô hình, Ban Quản lý còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ cho người dân nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác, giúp họ chủ động hơn trong sản xuất. Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 60 nông dân được tập huấn trực tiếp tại huyện Long Mỹ.
Nông dân chủ động đổi mới, sản xuất hiệu quả hơn
Từ những mô hình điểm của Khu NNƯDCNC Hậu Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào canh tác. Một trong những hộ tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Đảm, ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Trên diện tích 0,4ha trồng mít ruột đỏ, ông Đảm là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình và nhận được sự hỗ trợ từ dự án.
“Lúc đầu tôi còn ngại đầu tư vì nghĩ công nghệ cao phải tốn nhiều chi phí. Nhưng thật ra nếu biết cách tận dụng, hiệu quả mang lại gấp đôi. Hệ thống tưới tiết kiệm nước, không phải vất vả ngày nào cũng tưới. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật mà trái cho chất lượng tốt hơn, giá bán cao hơn. Từ ngày được hỗ trợ tưới nhỏ giọt và tập huấn cách dùng phân hữu cơ vi sinh, tôi thấy rõ cây mít phát triển đều, tán rộng, ít bị sâu bệnh hơn hẳn. Trái mít to, đẹp, giá bán cũng cao hơn trước”, ông Đảm chia sẻ.
Theo đó, trung bình mỗi vụ, vườn mít của ông Đảm cho thu hoạch khoảng 4 tấn trái, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vẫn đảm bảo cho kinh tế gia đình. Quan trọng hơn, theo ông Đảm, việc ứng dụng công nghệ giúp giảm công chăm sóc đáng kể, đặc biệt là tiết kiệm nước và nhân công.
Ngoài việc cải thiện thu nhập, hộ ông Đảm còn là điểm trình diễn để các nông dân lân cận đến tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình. Đây chính là minh chứng rõ nét cho việc chuyển giao hiệu quả giữa Ban Quản lý Khu NNƯDCNC với thực tiễn sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp.
Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, Hậu Giang đang vươn lên mạnh mẽ bằng chính nội lực của mình, đó là đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối nông dân với thị trường hiện đại. Khu NNƯDCNC chính là “bàn tay nối dài” giúp hiện thực hóa khát vọng ấy. Không chỉ dừng lại ở cây mít, Khu NNƯDCNC Hậu Giang còn định hướng mở rộng ra nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Trong tương lai, Khu NNƯDCNC sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tăng cường hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Y.LINH - Báo Hậu Giang