Sở hữu trí tuệ: Điểm tựa cho công nghiệp văn hóa (kỳ 1)
Nếu không có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể sẽ chỉ là một "giấc mơ xa vời".

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với quảng bá hình ảnh đất nước.
Ngành công nghiệp đầy tiềm năng
Với những buổi diễn “cháy vé”, concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay “Anh trai say hi” - bắt nguồn từ các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc cùng tên, đã trở thành một trong những “điểm sáng” về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ vài năm trước, việc tổ chức những concert với số lượng hàng chục nghìn vé vẫn là một điều hiếm hoi ở Việt Nam.“Những dấu ấn trong các chương trình âm nhạc cho thấy việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã có những bước chuyển”, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhận xét trong một tọa đàm được phát sóng trên VTV2. “Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 4,04% trong tổng thu nhập của nền kinh tế. Đây là một trong những đóng góp rất lớn của công nghiệp văn hóa đến phát triển kinh tế - xã hội”.
Thoạt nghe khái niệm “công nghiệp văn hóa” có vẻ xa lạ song thực ra, những hoạt động liên quan đến công nghiệp văn hóa vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Từ những bộ phim, bài hát, món ăn, trang phục, các buổi biểu diễn… tất cả đều là sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa. “Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa và sản xuất các sản phẩm dịch vụ dựa vào tri thức, kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống. Đây là định nghĩa do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa ra vào năm 2007. Những thuật ngữ, khái niệm này liên tục được cập nhật và mở rộng”, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết trong Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam, do Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) tổ chức vào năm 2024. “Một trong những đặc điểm chung nhất của các ngành công nghiệp văn hóa là sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa”.
Nếu đặt cạnh những ngành công nghiệp nặng thường được coi là nền tảng của nền kinh tế, cung cấp nguyên liệu và sản phẩm thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp khác, vai trò của công nghiệp văn hóa dường như bị lu mờ ít nhiều. Nhưng thực tế, các ngành công nghiệp văn hóa đem lại lợi ích kinh tế không kém gì các ngành sản xuất. Đơn cử ở Nhật Bản, cách đây 20 năm, chỉ tính riêng doanh thu từ việc bán bản quyền truyện tranh và phim hoạt hình của Nhật Bản cho các đơn vị nước ngoài đã lên tới 3 nghìn tỷ yên (khoảng 26 tỷ USD). Các ngành công nghiệp văn hóa đã tạo ra nhiều việc làm ở Nhật Bản, thậm chí còn vượt qua những ngành thế mạnh của nước này như công nghiệp ô tô. Năm 2013, số nhân công lao động của bốn ngành quảng cáo, nội dung số, du lịch và dịch vụ ăn uống khoảng 5.900.000 người vượt qua số nhân công lao động của ngành công nghiệp ô tô (5.450.000 người).
Sự phát triển của công nghiệp văn hóa còn kéo theo thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Tiêu biểu ở Hàn Quốc, một trong những tác động quan trọng nhất của ngành công nghiệp văn hóa nước này là mang lại hiệu quả gián tiếp/hiệu quả lan tỏa đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. “Sự yêu thích của người dùng đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa, các hình tượng dễ dàng được sử dụng để hấp dẫn người dùng đến với các sản phẩm của các lĩnh vực khác”, TS. Phạm Hồng Thái và các cộng sự ở Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), viết trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam vào 2016. “Các nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng khi muốn sử dụng một loại sản phẩm văn hóa này thì cũng sẽ muốn sử dụng loại sản phẩm văn hóa khác của Hàn Quốc; từ ý muốn sử dụng các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa họ cũng có ý muốn sử dụng các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa phát sinh liên quan như du lịch, game... Đồng thời, các ý muốn sử dụng các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa phát sinh cũng sẽ dẫn tới ý muốn sử dụng các sản phẩm của ngành công nghiệp tiêu dùng khác như thuốc men, hàng điện tử, quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn uống”. Chẳng hạn sau khi bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” nổi tiếng của Hàn Quốc phát sóng, các sản phẩm đồ điện tử gia dụng của hãng LG ở Hàn Quốc đã có tỷ lệ bán ra thị trường cao nhất, doanh số ô tô của hãng Hyundai ở Hàn Quốc cũng tăng gấp sáu lần, từ hơn 3.000 chiếc lên tới hơn 18.000 chiếc.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế, công nghiệp văn hóa còn là yếu tố tạo nên “quyền lực mềm” của các quốc gia. Chẳng hạn, sự phổ biến của các sản phẩm công nghiệp văn hóa Nhật Bản đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hình ảnh đất nước. “Các sản phẩm văn hóa đã góp phần tạo nên một hình ảnh ‘nước Nhật Bản mới’ so với trước kia. Đó không còn là một nước Nhật Bản quân phiệt, một nước Nhật Bản chỉ có sức mạnh kinh tế, mà là một quốc gia có sức hấp dẫn về văn hóa”, theo TS. Phạm Hồng Thái. “Thương hiệu Nhật Bản nổi bật nhiều thập kỷ qua và qua đó đã tạo ra những giá trị tốt đẹp về đất nước Nhật Bản ngày nay với hình ảnh của một dân tộc hiền hòa, yêu chuộng hòa bình trong lòng cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới”.
Điểm tựa bản quyền
Nhận thấy tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Theo mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Chiến lược cũng xác định 12 lĩnh vực cụ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Một điều tích cực là Việt Nam có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực này: “Việt Nam có bề dày lịch sử văn hóa phong phú, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, khả năng sáng tạo, ý chí thông minh của người Việt cũng rất dồi dào. Hơn nữa, cơ hội của chúng ta cũng được mở rộng thông qua việc phát triển bền vững và đóng góp tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng số mở rộng thị trường trong xu hướng chuyển đổi số, mạng lưới các thành phố sáng tạo và các sản phẩm sáng tạo đặc trưng, hợp tác quốc tế và xúc tiến trao đổi giao lưu văn hóa toàn cầu”, ông Lê Minh Tuấn nói.
Điểm cốt lõi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nằm ở quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả và quyền liên quan. Bởi lẽ, hầu như mọi hoạt động sáng tạo hay khai thác, thương mại hóa các sản phẩm trong các ngành công nghiệp văn hóa đều không thể tách rời quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn để sản xuất chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, nhà sản xuất Việt Nam đã phải mua bản quyền chương trình gốc của Trung Quốc, đằng sau mỗi tiết mục là công đoạn xin phép và chi trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu các tác phẩm. “Để có động lực khuyến khích, cổ vũ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, không thể thiếu vai trò của bản quyền. Chúng ta sẽ không bao giờ có đội ngũ sáng tạo đủ mạnh nếu không bảo vệ được [quyền lợi của] đội ngũ này”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhận xét.
Do vậy, những bước tiến về bản quyền thường gắn liền với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Đơn cử lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam, chỉ hơn hai thập kỷ trước đây, bản quyền âm nhạc vẫn là câu chuyện xa lạ ở Việt Nam. Các hình thức xâm phạm quyền đối với tác phẩm âm nhạc phổ biến ở khắp mọi nơi. Từ việc làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu - những bài hát nhạc ngoại lời Việt, cho đến sử dụng băng đĩa lậu tràn lan. Hầu hết các sản phẩm sáng tạo khác cũng chung tình cảnh này. “Tỉ lệ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với gần 100% hàng hóa (sách, băng đĩa nhạc, phần mềm…) xâm phạm bản quyền”, theo một công bố về tình trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam của tác giả Julie Siefkas trên tạp chí Florida Journal of International Law vào năm 2002.
Sau hành trình dài siết chặt bảo hộ bản quyền, thị trường âm nhạc Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC) năm 2023, trong giai đoạn năm 2019 - 2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam, đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số. Trong năm 2024, VCPMC đã thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023, và chi trả hơn 256 tỷ đồng tiền bản quyền cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo ông Lê Minh Tuấn, sự phát triển nhanh chóng phức tạp của công nghệ khiến tình trạng xâm phạm về quyền tác giả ngày càng phức tạp. Việc xử lý các vụ việc xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan đối với các sản phẩm sáng tạo còn chậm và chưa rõ ràng. “Đây là những thách thức lớn cần phải vượt qua trên con đường phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam”.