SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải thưởng chất lượng - Công cụ nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia

[23/01/2013 08:22]

Từ ngày 19–23/11/2012 tại Singapore, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề về các mô hình kinh doanh xuất sắc (Business Excellence Model) và giải thưởng chất lượng (GTCL) với sự tham gia của các đại biểu từ 20 nước và nền kinh tế thành viên của APO gồm: Bangladesh, Campuchia, Đài Loan, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Các mô hình GTCL đều bắt nguồn từ hai mô hình chính: Giải thưởng Malcolm Baldrige của Mỹ năm 1987 và mô hình Quản trị Chất lượng của Châu Âu - EFQM Excellence Model (European Foundation for Quality Management) năm 1991. Ngoại trừ Campuchia là thành viên mới nhất của APO vừa được kết nạp vào năm 2004 chưa có mô hình GTCL, đa số các nước thành viên đều có những hoạt động và mô hình giải thưởng ở tầm quốc gia.

BE in Singapore.jpg

       Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai mô hình GTCL. Hầu hết các GTCL quốc gia đều đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các bộ ngành của Chính phủ như Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, v.v… Mục tiêu của các Giải thưởng là hướng các tổ chức vào lộ trình tiến tới sự hoàn hảo (A journey to excellence) thay vì chỉ nhắm vào mục đích đoạt giải, được lãnh đạo Nhà nước hoặc Chính phủ trao giải, chụp ảnh để quảng cáo. Thực tế cho thấy, không thể nào có được sự hoàn hảo chỉ sau 15 đến 45 ngày viết báo cáo tự đánh giá (Self-assessment) theo yêu cầu của các tiêu chí của GTCL!

Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo của một số tổ chức đoạt giải từ Mỹ, Úc, Châu Âu, Singapore, v.v… đã được mời làm diễn giả tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về quá trình áp dụng các tiêu chí tiến tới sự hoàn hảo đó. Lộ trình cho việc áp dụng và đạt được giải thưởng thường mất khoảng trên dưới 10 năm. Mặc dù chưa thể khẳng định là một giải pháp để giải cứu doanh nghiệp ra khỏi khủng hoảng, nhưng mô hình GTCL được coi là một định hướng cho sự phát triển bền vững, là nền tảng cho hệ thống quản trị tiên tiến. Lãnh đạo các tổ chức coi mô hình này là kim chỉ nam cho sự phát triển đồng thời là kết tinh của những thành tựu trong quản trị học nói chung và quản trị doanh nghiệp nói riêng.

Đối với Việt Nam, khi số lượng doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, mới chỉ bước đầu tham gia thị trường thế giới, nhiều chủ doanh nghiệp, tổng giám đốc, giám đốc điều hành, v.v… chưa qua trường lớp bài bản về quản trị doanh nghiệp, mô hình GTCL quốc gia và qua kinh nghiệm của nhiều nước đã chia sẻ trong Hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu tiếp cận với những tiêu chuẩn, tiêu chí trong mô hình này, tập làm quen theo một lộ trình trung và dài hạn. Bà Kok, Giám đốc truyền thông – Phát triển của Công ty TNHH Công nghiệp Techwa, lý giải rất đơn giản: “…Chúng tôi cần có mô hình GTCL của Singapore (SQA) vì chúng tôi là công ty đại chúng (trên sàn giao dịch chứng khoán) …” Mô hình này giúp doanh nghiệp tạo sự minh bạch, thông suốt, đặc biệt là sự sáng tạo, thay đổi và cải tiến liên tục.

NHỮNG NGUYÊN TẮC LÀM NỀN TẢNG

Điểm ưu việt của mô hình xuất sắc này là dù được phát triển trên nền tảng của mô hình Châu Âu hay Mỹ, dù được chuyển thể thành những mô hình GTCL quốc gia cụ thể tuỳ theo điều kiện của từng nước, giải thưởng đều được xây dựng trên cơ sở các trụ cột (Pillars) hay nguyên tắc (Principles) sau đây:

1. Sự lãnh đạo

2. Chiến lược

3. Trách nhiệm xã hội và pháp luật

4. Văn hoá tổ chức

5. Sự kiểm soát và nền quản trị

6. Sự sáng tạo và sự thay đổi

7. Chất lượng của sản phẩm/dịch vụ

8. Nguồn nhân lực

9. Chuỗi giá trị

10. Công nghệ thông tin và quản trị tri thức

11. Kết quả hoạt động

      Có thể khẳng định rằng mỗi một nguyên tắc là một môn học quan trọng cấp đại học và thạc sỹ trong chương trình quản trị học hoặc quản trị kinh doanh (MBA). Những công cụ như Lean, 6-Sigma, ISO 9000, ISO 14000, ISO 27000, ISO 26000, BCM, CSR, ERP, FMCA, KM, OHSAS, v.v… chỉ là một bộ phần cấu thành của mô hình này, đòi hỏi sự phối kết hợp nhuần nhuyền, vận dụng thông minh, linh hoạt tuỳ thuộc vào lịch sử, truyền thống, văn hoá, nguồn lực và năng lực của tổ chức. Cách tiếp cận cần rất linh hoạt, không có sự sao chép máy móc, chỉ có sự học hỏi qua lại, chia sẻ và tận dụng những cái hay nhất của tổ chức khác. Ở các nước tổ chức đoạt giải có nghĩa vụ chia sẻ.

DỊCH VỤ CÔNG VÀ DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG

        Hội nghị tại Singapore cũng thu hút tham gia rất nhiệt tình của các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức công, cơ quan công quyền, cơ quan hành chính, v.v… như trường học, bệnh viện, hải quan, hãng xe buýt công cộng, hãng tàu điện ngầm, cơ quan thuế, thư viện, cảnh sát, toà án, nhà tù, cơ quan nhập cư, nhà máy nước, trung tâm y tế, cơ quan hàng không dân dụng, Bộ ngành của Chính phủ, v.v… Qua đó cho thấy, mô hình GTCL không chỉ là định hướng đối với tổ chức vì lợi nhuận, hướng vào lợi ích cá nhân hoặc một nhóm cổ đông nhất định mà còn là công cụ kích thích, tương trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

        Là nước chủ nhà, các đại biểu và chuyên gia Singapore đã chia sẻ cách thức cổ vũ, khuyến khích các tổ chức công quyền và dịch vụ công tham gia đông đủ, nhiệt tình, thật sự vào GTCL quốc gia của Singapore (SQA – Singapore Quality Award). Các đơn vị điển hình là Hải quan Singapore, Toà án thứ cấp (Subordinate Court) và Ban Quản lý Nhà tù mà họ gọi là “Dịch vụ nhà tù – Prison Service!” của Singapore. Giá trị nhân văn, hiệu ứng kinh tế - xã hội, hiệu quả trong giao thương quốc tế là tất cả những gì các tổ chức này đã mang lại cho đất nước Singapore. Thông qua GTCL như một mô hình khung (framework) họ tự sáng tạo, vận dụng, tuyên truyền và cổ vũ toàn thể nhân sự, kể cả các cổ đông, cộng đồng trong, ngoài nước và các bên hữu quan cùng tham gia vào trong hệ thống quản trị của tổ chức của họ, tạo thành những vòng tay lớn kết nối công – tư, trong – ngoài, được sự thừa nhận của cả xã hội, sự ghi nhận của Nhà nước, Chính phủ. Đó chính là giá trị sâu xa, đích thực của mô hình GTCL.

NGHỊCH LÝ GIẢI THƯỞNG

      Thực tế có thể xảy ra khi các nước thành viên triển khai mô hình GTCL của mình. Mặc dù các mô hình GTCL đều được xây dựng trên nền tảng mô hình GTCL của Mỹ và Châu Âu với những tiêu chuẩn chi tiết, với thang mức điểm ứng với từng tiêu chí rất cụ thể nhưng cũng sẽ có trường hợp một tổ chức (Doanh nghiệp, cơ quan công quyền , cơ quan hành chính công, v.v…) đạt danh hiệu “Vàng” ở nước này nhưng lại không thể đạt danh hiệu “Đồng” ở nước khác, đặc biệt khi hai hoặc các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Để tránh rơi vào cái nghịch lý này, việc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm đặc biệt là các chuẩn so sánh (Benchmark), cách làm hay (Best practices), cách làm chuẩn (Benchmarking performance) là hết sức cần thiết v.v…Cách làm này sẽ giúp nâng cao tầm quản lý doanh nghiệp và quản trị công của Việt Nam, xích gần với trình độ của thế giới (world class). Những chuyến học tập (Benchmark study) như thế sẽ rất cần thiết đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta.

VPC
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ