Lần lượt các cải tiến như máy cắt lúa rải hàng, kéo cắt cành, hái trái cây, máy bóc hạt trái điều, máy tuốt đậu phụng ra đời, … giờ đây “hai lúa” Nguyễn Kim Chính (xã Cát Nhơn, Phù Cát, Bình Định) đã khẳng định được “thương hiệu” của mình là một người luôn sáng tạo vì nhà nông.
Hàng loạt các sản phẩm
trên của anh đã được đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi tác giả. Trong
đó, sản phẩm cây kéo hái quả, cắt cành của anh Chính đã nộp đơn đăng ký sáng
chế và đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học-Công nghệ cấp văn bằng bảo
hộkiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Đây được xem một trong những động lực
giúp anh suy ngẫm, cải tiến những sản phẩm để phục vụ nông dân.
Từ máy cắt lúa FUTU 1 hiệu quả
Thành công của anh bắt đầu từ năm
2008, nắm bắt được nhu cầu của nông dân về dụng cụ thu hoạch lúa, từ một thợ sửa
xe máy anh chuyển sang mua máy cắt lúa rải hàng về phục vụ bà con nông dân. Tuy
nhiên, loại máy anh mua về cũng như những loại hiện có trên thị trường chỉ vận
hàng trên chân ruộng khô, thời tiết nắng ráo mới có hiệu quả. Vì sự hạn chế đó,
nên tiện ích sử dụng không cao, gây nhiều phiền toái trong khi làm việc. Sau
một thời gian sử dụng máy, anh đã mày mò sáng tạo, thêm bớt một số bộ phận của
máy, những sáng tạo đó của anh ngày một thành công.
Anh
Chính bên chiếc máy do mình cải tiến
Qua hơn 10 lần cải tiến, máy cắt lúa FUTU
1 đã được thay đổi nhiều, hiệu quả của nó cũng tăng lên rõ rệt, nhờ lắp thêm
một số bộ phận như: hệ thống rút nhau được phục gia vào mỗi mũi cate có gắn
thêm nhông sên đĩa xe honda, để khi máy hoạt động cắt lúa thì hệ thống này cũng
được truyền động và hoạt động theo, kéo lá lúa khô và cây lúa vào để bánh sao
tóm lúa trọn vẹn, cắt dứt điểm và gọn nhẹ.
Ngoài ra loại máy này còn được anh gắn
thêm bánh hơi vào hai bánh lồng, thêm bánh xe thứ 3 phía sau, thêm yên ngồi để
người sử dụng không phải đi bộ theo khi vận hành… Những ưu điểm trên giúp máy
cắt được lúa cả lúc trời mưa, ruộng lầy, lúa ướt do sương, lúa ngã 40 độ…
Đến cây kéo đa năng được ưa
chuộng
Việc cải tiến cây kéo cắt tỉa cành của
anh được ấp ủ và nghiên cứu trong khoảng thời gian kéo dài hơn 6 năm. Năm 2004,
trong 1 lần đến tỉnh Bến Tre, nhìn thấy các nhà vườn thu hoạch trái cây và tỉa
cành bằng phương pháp thủ công quá cực khổ, chưa kể đến sự nguy hiểm, mỗi vườn
cây ở Nam Bộ có đến hàng ngàn gốc, vậy mà muốn hái quả hoặc tỉa thì nông dân
phải dùng thang chữ A để chinh phục độ cao.
Từ hình ảnh đó, trong đầu anh
manh nha nghĩ đến dụng cụ cắt cành, hái quả dành cho dân miệt vườn. Trở về từ
Nam Bộ, anh Chính bắt đầu nghiên cứu, cải tiến cây kéo cắt tỉa cành của mình.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2010, anh mới có thể cho ra đời sản phẩm kéo hái quả, cắt
cành đa năng này. Kéo có thể cắt “ngọt” những cành cây có đường kính từ 25cm
trở xuống. Khi phải cắt ở độ cao trên 5m thì người sử dụng chỉ gạt cần ngược về
phía sau là cây kéo sẽ dài thêm ra.
Dùng kéo đa năng trong việc hái quả,
tỉa cành hiệu suất lao động rất cao, bởi cắt nhanh lại có thể cầm di chuyển quanh
vườn. Sản phẩm này của anh đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của đông đảo
bà con nông dân nhà vườn các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ...
Và đem lại năng suất cao với
máy tuốt đậu
Anh
Chính và máy tuốt đậu phụng của mình (Ảnh: Doãn Công)
Tiếp nối những thành công, được khích
lệ anh Chính tiếp tục mày mò để sáng chế ra máy tuốt lạc. Máy có kết cấu khá
đơn giản, gồm 2 trục lô bằng sắt dài khoảng 30 cm, trên đó có hàn gắn các gân
xoắn. 2 trục lô nằm trên – dưới, song song, cách nhau từ 1 – 1,5 cm, có thể
điều chỉnh rộng hẹp tùy cỡ trái đậu phụng. Một tấm sắt uốn cong bọc 2 trục lô,
có chừa khe hở để đưa cây đậu phụng vào, và khe hở bên dưới để trái đậu sau khi
tuốt thoát ra ngoài.
Động cơ cho máy hoạt động là mô tơ
điện, hay máy nổ, công suất tương đương 1,5 sức ngựa, được đặt phía dưới cùng của
máy. Kích thước máy chỉ khoảng 50x90cm, trọng lượng 45 kg. Phía trước máy có
gắn một bánh xe cộ rùa. Khi muốn di chuyển chỉ cần dùng 2 ống sắt gắn vào, nhấc
máy lên và đẩy đi rất dễ dàng.
Lúc máy hoạt động, người vận hành chỉ cần
nhẹ nhàng đưa từng nắm cây đậu phụng từ phía bên phải vào khe giữa 2 trục lô,
sao cho vừa quá phần có cụm trái. Cứ khoảng 3 giây đồng hồ là tuốt xong một nắm
(khoảng 6 cây đậu phụng). Sở dĩ không sót, không vỡ hạt là do bố trí số lượng
gân xoắn và độ xoắn phù hợp. Máy tuốt được 200 kg trái/giờ, tính ra tương đương
5 lao động tuốt thủ công. Giá của máy khoảng 6 triệu đồng/chiếc
Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm trên,
mà anh Chính vẫn đang ngày đêm mày mò để cải tiến những sản phẩm khác, có lợi
cho nhà nông. Những đóng góp đó của anh đã được ghi nhận, Liên hiệp các hội
khoa học kỹ thuật Việt Nam
đã quyết định công nhận anh là “Điển hình sáng tạo Việt Nam”. Ngoài ra,
anh còn vinh dự nhận hàng chục bằng khen, giấy chứng nhận sáng tạo của các Bộ,
ngành, Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Bình Định trao tặng.