Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng tốt nhu cầu doanh nghiệp
Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang được phát triển theo định hướng đúng, đã và đang được nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển một cách khá ổn định để phát triển theo hướng tăng cường hội nhập...
Hỏi: Xin quý báo
có thể cho biết, hệ thống tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam
đã đảm bảo được yêu cầu chưa khi Việt Nam đã gia nhập WTO và sắp tới là hàng
loạt các Hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán?
oanhquangha@yahoo.com.vn
Đáp: Nền kinh tế và
hoạt động giao thương của đất nước luôn phát triển với những định hướng, mục
tiêu và yêu cầu phù hợp với thực tiễn sống động của từng thời kỳ, giai đoạn. Hệ
thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam được xây dựng và phát triển
nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh
tế, thúc đẩy giao lưu thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo
vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức
ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hoá thương mại, đồng thời, thu hút đầu tư
và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trong những năm vừa qua và sắp tới,
Việt Nam đã và sẽ ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại với những nội dung
và yêu cầu khác nữa.Cho đến nay, Hệ thống TCVN, QCVN được phát triển theo các
nguyên tắc quy định tại Điều 6 Luật TC và QCKT phù hợp với các nguyên tắc của
WTO và thông lệ hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Các TCVN, QCVN được xây dựng
theo kế hoạch dựa trên các nhu cầu, yêu cầu về quản lý, sản xuất, kinh doanh…
do các Bộ, ngành tập hợp, dự kiến hoặc do các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị.
Hiện nay, Bộ KHCN đang phối hợp với
các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai Dự án “Xây dựng và áp dụng
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất
và chất lượng sản phẩm, hàng hoá
của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu xây dựng các TCVN cho các
sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế và tăng cường quản lý các sản phẩm,
hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng QCVN và
giành sự ưu tiên đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao.
Với việc thực hiện dự án này nói riêng
và Chương trình Quốc gia này nói chung, chắc chắn Hệ thống TCVN và Hệ thống
QCVN sẽ được phát triển hơn nữa theo định hướng hài hòa với các hệ thống tiêu
chuẩn và thông lệ/thực hành quản lý của quốc tế, khu vực để đáp ứng tốt hơn nhu
cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại quốc tế. Tuy nhiên,
trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế để phát triển và hội nhập, Nhà nước không thể quản lý, bao quát được chất lượng của
hàng triệu mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú mà cần sự
tham gia và chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
cũng phải tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình, mặt
khác, Nhà nước phải đổi mới tư duy quản lý về tiêu chuẩn hoá cũng như phương
pháp tiếp cận về quản lý chất lượng thì mới theo kịp và đáp ứng được các yêu
cầu của thực tiễn.
Chưa thể nói hệ thống Tiêu chuẩn,
Quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng được mọi yêu cầu đặt
ra của nền kinh tế và thương mại của đất nước (vì những yêu cầu này luôn ở
trạng thái “động”) nhưng có thể nói rằng hệ thống này đang được phát triển theo
định hướng đúng, đã và đang được nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển
một cách khá ổn định để phát triển theo hướng tăng cường hội nhập với dòng chảy
của hoạt động TCH thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực phục vụ quản lý nhà
nước và thúc đẩy thương mại phát triển.
Chuyên mục có sự
phối hợp với Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Số 8,
Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
(Mọi thông tin về
lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi
về địa chỉ email: hoidap@vietq.vn)