SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Công cụ cạnh tranh hữu hiệu của DN

[10/03/2016 14:02]

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là hình thức tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây cũng là công cụ để doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Các giải thưởng chất lượng, với những tiêu chí và mô hình áp dụng, đều dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại. Đặc biệt, các giải thưởng chất lượng đều phù hợp với những nguyên tắc của chính sách chất lượng mỗi quốc gia.

Trong những năm gần đây, các giải thưởng chất lượng quốc tế, khu vực và quốc gia, chẳng hạn: Giải thưởng Deming, Giải thưởng Malcolm Baldrige (Giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ), Giải thưởng Chất lượng Châu Âu (EQA), Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương... có sức thu hút kỳ lạ - sức thu hút của những mô hình tự hoàn thiện để vươn tới sự tuyệt hảo về chất lượng quản lý.

Trong giai đoạn hiện nay, chất lượng trở thành một yếu tố quyết định trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Các giải thưởng chất lượng chính là sự thừa nhận và là nhân tố quan trọng của các chiến lược hoàn thiện, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh ở cả hai cấp độ kinh tế vi mô và vĩ mô. Thực tiễn hoạt động giải thưởng chất lượng ở các khu vực và các quốc gia đã cho thấy giải thưởng chất lượng chính là một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Từ câu chuyện quốc tế

Trên thế giới, hiện có 3 loại hình giải thưởng được trao trong lĩnh vực chất lượng.

Loại hình thứ nhất, đó là các giải thưởng cho những sản phẩm và dịch vụ được thừa nhận là tốt nhất. Đối tượng được trao thưởng là các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, có các tính chất tiêu dùng tốt nhất, có vị trí hàng đầu trên thị trường về lượng tiêu thụ và uy tín thương hiệu.

Loại hình thứ hai là các giải thưởng trao cho những cá nhân có đóng góp được ghi nhận trong lĩnh vực chất lượng. Ví dụ: Giải thưởng Akao, Giải thưởng AQC, Giải thưởng Deming...

Loại hình giải thưởng chất lượng thứ ba là các giải thưởng năng suất và chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế được trao cho các doanh nghiệp được đánh giá và lựa chọn do đạt được những thành tựu nổỉ bật trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý, tạo điều kiện cho việc thực hiện quá trình kinh doanh theo hướng cải tiến liên tục. 

Trên thị trường thế giới hiện nay, cả nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng đều cần đến sự đảm bảo đối với chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ. Việc chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ là cần thiết nhưng chưa đủ. Mặt khác, hình ảnh và uy tín của nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố nội tại cũng như từ bên ngoài. Vì vậy, các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ đều muốn dựa vào một công cụ nào đó để vừa đạt được sự ghi nhận rộng rãi về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình, vừa duy trì và phát triển hoạt động một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu không những của khách hàng, các bên liên quan bên ngoài mà cả của người lao động.

Các giải thưởng năng suất và chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế là các giải thưởng hướng vào việc cải tiến chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm hệ thống hoá và cơ cấu hoá hệ thống quản lý để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất. Sự thừa nhận rộng rãi mà giải thưởng chất lượng mang lại cho các doanh nghiệp đoạt giải chính là "giá trị gia tăng" mà các doanh nghiệp đó có được để "làm vốn" mà tiếp tục cải tiến hoạt động của mình.

Các giải thưởng chất lượng được thiết lập triển khai sớm từ những năm của thập niên 1980 và 1990 như: Giải thưởng chất lượng Malcolm Baldrige - giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ, Giải thưởng Australia về sự tuyệt hảo, Giải thưởng Chất lượng Châu Âu... là những ví dụ điển hình về các mô hình thành công mẫu mực của việc xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý hướng vào khách hàng và áp dụng các thực hành tốt nhất.

Thành công của những mô hình giải thưởng này đã dẫn tới sự ra đời của hàng loạt giải thưởng năng suất và chất lượng quốc gia. Hiện nay, trên toàn thế giới, hơn 90 giải thưởng về chất lượng, năng suất và sự tuyệt hảo đã được thiết lập ở 75 nước, trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam.

Đến Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chính thức thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng - Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN).

GTCLVN được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBA) - Giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ đã được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu học tập khi xây dựng giải thưởng chất lượng quốc gia của mình.

Chương trình GTCLVN được thực hiện hằng năm nhằm xem xét, đánh giá và trao các giải thưởng về chất lượng cho những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp đáng kể cho phong trào năng suất-chất lượng của Việt Nam.

Mục tiêu của GTCLVN là khuyến khích các DN thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc tự đánh giá các hoạt động của mình theo những tiêu chí của GTCLVN còn giúp cho các DN nhận biết được những điểm mạnh và cơ hội cải tiến. Đặc biệt, sự đánh giá khách quan của các chuyên gia trong quá trình đánh giá, xét thưởng luôn được các DN tham dự GTCLVN trân trọng và coi đó là căn cứ hữu ích cho việc triển khai các hoạt động cải tiến liên tục trong hành trình vươn tới sự tuyệt hảo.

Năm 2007, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được Quốc hội thông qua. Ngay trong Luật, đã có 2 điều quy định về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Tiếp đó, Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết nội dung này.

Phát huy những kinh nghiệp đã có, GTCLQG đã thực sự có sự phát triển về chiều sâu và thể hiện rõ vị thế và vai trò của một giải thưởng ở tầm quốc gia.

Việc tổ chức triển khai GTCLQG tại địa phương và Trung ương đã dần được củng cố và chuyên nghiệp hơn, trong đó tập trung đào tạo nghiệp vụ cho các chuyên gia đánh giá giải thưởng, thành viên hội đồng giải thưởng các cấp và đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp viết báo cáo tham dự. Do đó, chất lượng hồ sơ tham dự và hồ sơ của hội đồng sơ tuyển được nâng lên rõ rệt. Việc quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, tổ chức và điều hành giải thưởng đã tạo điều kiện cho các cơ quan này triển khai công việc tốt hơn, phối hợp với nhau chặt chẽ và hiệu quả hơn. Tại nhiều địa phương, GTCLQG đã trở thành một hoạt động năng suất-chất lượng nòng cốt và nhận được sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh, thành phố như tổ chức phát động phong trào GTCLQG hằng năm, khen thưởng cho các doanh nghiệp đạt giải, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội đồng sơ tuyển và doanh nghiệp tham dự.

baodientu.chinhphu.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ