SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của giá thể đến sự sinh trưởng và ra hoa của cây hoa Thược Dược (Dahlia variablis Desf.)

[28/12/2022 15:00]

Nghiên cứu nhằm tìm ra loại giá thể thích hợp cho cây hoa Thược dược sinh trưởng và ra hoa.

Thí nghiệm được thực hiện tại nhà lưới Khoa Nông Nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 6 lần lặp lại, gồm có 5 nghiệm thức là 5 công thức giá thể khác nhau. Nghiệm thức 1 giá thể phân rơm, các nghiệm thức khác là giá thể phối trộn trấu tươi: mụn xơ dừa theo thể tích với tỷ lệ 4:1, 3:2, 2:3 và 1:4. Kết quả thí nghiệm cho thấy cây hoa Thược dược sinh trưởng và ra hoa ở giá thể trấu tươi: xơ dừa (2:3) và giá thể phân rơm tốt hơn so với các nghiệm thức còn lại. Sinh trưởng của cây hoa Thược dược ở giá thể trấu tươi: xơ dừa (2:3) và giá thể phân rơm tương đương nhau; tuy nhiên, đường kính hoa khi trồng ở giá thể trấu tươi: xơ dừa (2:3) lớn hơn khi trồng với giá thể phân rơm (8,82 so với 8,03 cm).

Thược dược là loài hoa đa dạng màu sắc: đỏ cờ, đỏ tươi, trắng sữa, trắng trong, vàng đậm, vàng hoàng yến, được nhiều người ưa chuộng. Thược dược có thể trồng để cắt cành cắm lọ hay trồng chậu, tuy nhiên cành hoa thược dược cắt ra chỉ tươi được 5-7 ngày, trong khi trồng chậu có thể kéo dài tới cả tháng. Trồng Thược dược chậu không khó nhưng để có chất lượng tốt thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và trong đó giá thể có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Đông và Lộc (2003) hay Linh và Lý (2005), giá thể trồng hoa phải có khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây, đảm bảo giữ phân, giữ nước và thoáng khí. Theo Toàn (2009), có thể sử dụng vật liệu hữu cơ hoặc vô cơ để làm giá thể. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, loại giá thể phổ biến nhất là phân rơm vì nhẹ, thoát nước tốt, dễ phối trộn… nhưng ghi nhận thực tế cho thấy người trồng hoa luôn trong tình trạng không đủ phân rơm để sản xuất, nếu chỉ sử dụng phân rơm làm nguyên liệu chính thì người trồng hoa không có lợi nhuận. Trong khi đó, nguồn phế phẩm từ trồng trọt có thể dùng làm giá thể ngoài rơm tương đối đa dạng và sẵn có như trấu, mụn xơ dừa, lục bình... Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra loại giá thể thích hợp cho sự sinh trưởng và ra hoa của cây hoa Thược dược, giúp người trồng chủ động hơn trong việc chuẩn bị và tận dụng được cơ chất hiện có để làm giá thể trồng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 182-188
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài