SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của tỏi lên đáp ứng miễn dịch của chim trĩ đối với vaccin phòng bệnh NewCastle

[28/12/2022 15:22]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát các mức bổ sung tỏi (Allium sativum L.) trong khẩu phần cơ sở lên đáp ứng miễn dịch của chim trĩ đối với vaccine phòng bệnh Newcastle. Các chim trĩ một ngày tuổi (n=90) được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm ba nghiệm thức với ba lần lặp lại.

Chim trĩ ở nghiệm thức T0 không được bổ sung tỏi tươi trong khẩu phần cơ sở. Chim trĩ ở nghiệm thức T1 và T2 được bổ sung lần lượt 1 và 2% tỏi tươi trong khẩu phần cơ sở. Thí nghiệm kéo dài 12 tuần. Tất cả chim trĩ được chủng vaccine chống virus gây bệnh Newcastle vào lúc 7, 21 và 60 ngày tuổi. Sáu mẫu máu được lấy từ mỗi nghiệm thức vào lúc 49, 74 và 81 ngày tuổi. Mức kháng thể trong huyết thanh chống lại virus gây bệnh Newcastle được xác định bằng xét nghiệm HI. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu giá kháng thể của chim trĩ vào lúc 74 và 81 ngày tuổi ở nghiệm thức T1 và T2 cao hơn đáng kể so với hiệu giá kháng thể của chim trĩ ở nghiệm thức T0. Bổ sung tỏi tươi vào khẩu phần cơ sở làm tăng hiệu giá kháng thể chống lại virus gây bệnh Newcastle ở chim trĩ được chủng vaccine phòng bệnh Newcastle.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi chim trĩ nói riêng đang phát triển cả về số lượng, quy mô và hình thức chăn nuôi. Những khu vực trọng điểm chăn nuôi như Đông Nam Bộ và miền Bắc đã xuất hiện những trang trại chăn nuôi chim trĩ theo hình thức công nghiệp hiện đại. Sự phát triển của chăn nuôi chim trĩ là do chim trĩ có tiềm năng kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho những hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó thì chăn nuôi chim trĩ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn do chưa được nhà nước quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh, trong đó đáng quan tâm là bệnh Newcastle. Bệnh Newcastle truyền nhiễm cấp tính gây ra do virus thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có tính chất lây lan nhanh, tỉ lệ bệnh và chết cao, có khả năng lên đến 100%. Đặc biệt, bệnh xảy ra trên gia cầm ở mọi lứa tuổi (Ananth et al., 2008). Bệnh Newcastle được xem là một trong các bệnh gây tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới (Alexander & Senne, 2008). Để tăng hiệu quả của vaccine phòng bệnh Newcastle, các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm ra các thảo dược bổ sung vào thức ăn và nước uống để nâng cao đáp ứng miễn dịch của gia cầm đối với vaccine phòng bệnh. Tỏi (Allium sativum L.) là một trong những thức ăn bổ sung tiềm năng gần đây đã được nghiên cứu trong chăn nuôi gà. Từ lâu, người ta đã coi tỏi có một số tác dụng có lợi cho người và vật nuôi do tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm và kháng oxi hóa (Amagase et al., 2001; Song & Milner, 2001). Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu gần đây đã cho thấy những tác động tích cực của tỏi lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của gà đối với vaccine phòng bệnh Newcastle (Gautam et al., 2017).

Hiện nay, vaccine và quy trình phòng bệnh Newcastle trên gà được áp dụng trong chăn nuôi chim trĩ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá hiệu quả phòng bệnh Newcastle trên chim trĩ chưa được quan tâm. Đáp ứng miễn dịch đóng một vai trò quan trọng trong bảo vệ chống lại bệnh, do đó việc nghiên cứu đáp ứng miễn dịch của chim trĩ là cần thiết để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của các mức bổ sung tỏi tươi trong khẩu phần cơ sở lên đáp ứng miễn dịch của chim trĩ đối với vaccine phòng bệnh Newcastle.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 143-147
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài