SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Stress, lo âu, trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường THPT Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ năm 2022

[29/07/2024 13:52]

Nghiên cứu do các tác giả Hà Thị Kim Hoàng thuộc Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ và Nguyễn Thùy Linh, Đỗ Mạnh Hùng, Lê Tự Hoàng thuộc Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện với mục tiêu nhằm mô tả thực trạng stress, lo âu, trầm cảm của học sinh trường THPT Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ và xác định một số yếu tố liên quan đến các vấn đề này.

Trong Báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2021, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính có khoảng 13% trẻ vị thành niên (VTN) phải chung sống với rối loạn tâm thần (RLTT) được chẩn đoán, trong số này có 86 triệu trẻ thuộc nhóm 15 – 19 tuổi. Tại Việt Nam, UNICEF ước tính tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) đối với trẻ em và VTN từ 8% đến 29%. Các rối loạn lo âu và trầm cảm chiếm khoảng 40% các RLTT được chẩn đoán, bên cạnh giảm chú ý/ rối loạn tăng động, rối loạn cư xử, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, tự kỷ,...

Qua khảo sát tại một số địa phương tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ học sinh trung học phổ thông mắc các rối loạn khá cao: tỷ lệ mắc stress, lo âu, trầm cảm ở học sinh Cần Thơ lần lượt là 52,8%; 66,1%; 47,4%; ở Hậu Giang là 52,1%; 63,8%; 42,1%; ở Vinh là 26,2%; 39,2%; 38,2%; ở Hồ Chí Minh là 36,1%; 59,8%; 39,8%. Điều này tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với các em như: thành tích học tập kém, lạm dụng chất, bạo lực, sức khỏe sinh sản và tình dục yếu. Đây là một vấn đề đáng quan tâm vì ngoài gánh nặng do bệnh mang lại nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau khi trưởng thành và chất lượng của thế hệ kế tiếp.

Sử dụng nghiên cứu cắt ngang phân tích, kết hợp phương pháp định lượng, thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 8/2022 trên 923 học sinh tại các lớp của khối 10, 11, 12 trường THPT Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ có mặt tại thời điểm nghiên cứu, học sinh tham gia hoàn thành bộ câu hỏi tự điền và thang đo DASS-21.

Nghiên cứu sử dụng thống kê mô tả sử dụng tần số, tỷ lệ phần trăm để phân tích các biến số phân loại, trung bình và độ lệch chuẩn sẽ được sử dụng khi phân tích các biến số định lượng có phân bố chuẩn. Phân tích mối liên quan của từng dấu hiệu stress, lo âu và trầm cảm với các yếu tố liên quan (cá nhân, gia đình, nhà trường và môi trường – xã hội) sử dụng kiểm định Khi bình phương, mức ý nghĩa thống kê 5%.

Kết quả cho thấy: Trong 923 học sinh tham gia nghiên cứu, kết quả cho thấy tỷ lệ các rối loạn stress, lo âu, trầm cảm lần lượt là: 40,4%; 58,9%; 48,1%. Stress, lo âu, trầm cảm có liên quan với các đặc điểm học sinh (giới tính, hút thuốc, sử dụng rượu bia, thể thao); tình trạng hôn nhân và sự quan tâm của bố mẹ (p <0,05); áp lực học tập, phương pháp học tập online, mối quan hệ với thầy cô và bạn bè (p <0,05); cảm giác bị cô lập, chán nản khi thực hiện giãn cách; khi mắc COVID-19 và bị kì thị (p <0,05).

Tỷ lệ stress, lo âu, trầm cảm ở học sinh trường THPT Thốt Nốt khá cao, các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan đến yếu tố cá nhân, gia đình, nhà trường và môi trường – xã hội. Do đó, cần có những chương trình can thiệp xây dựng kết hợp giữa gia đình, trường học, xã hội và chính bản thân học sinh.

Nghiên cứu này đã đóng góp các bằng chứng về tác động của môi trường sống của cá nhân, gia đình, trường học, xã hội lên sức khỏe tâm thần của học sinh, đặc biệt tại thời điểm do dịch bệnh. Nhà trường cần thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các rối loạn tâm thần, để kịp thời thông báo cho phụ huynh, xây dựng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp. Bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ, định hướng cho các em giải quyết các khó khăn trong cuộc sống hoặc các mối quan hệ giữa bạn bè. Nhà chức trách cần nghiêm hơn trong việc quản lý giới hạn độ tuổi sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,...bên cạnh đó khi thực hiện các biện pháp cách ly y tế cần chú trọng các hoạt động chăm sóc về sức khỏe tâm thần để hạn chế tình trạng gia tăng.

Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 07, Số 05-2023)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài