SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sáng chế xử lý nước nhiễm mặn

[13/04/2023 08:46]

Nhằm khắc phục tình trạng đất nhiễm mặn tại một số địa phương, ThS Hồ Quốc Hùng cùng cộng sự đã sáng chế ra thiết bị tạo nước ion nông nghiệp, giúp cải thiện chất lượng nước tưới tiêu cho bà con nông dân. Giải pháp này được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.

ThS Hồ Quốc Hùng khảo sát thực nghiệm thiết bị tạo nước ion lắp đặt tại vườn cây ăn quả của người dân.

Đối mặt với tình trạng Trái đất nóng lên, ở nước ta hiện nay, quá trình nhiễm mặn ngày càng gia tăng làm cho diện tích đất trồng bị thu hẹp lại. Công tác nhiều năm tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TP Cần Thơ), ThS Hùng đã quá quen thuộc với khí hậu và con người nơi đây, cũng như thấu hiểu được sự khó khăn của người dân tại các vùng nhiễm mặn trong canh tác nông nghiệp. Sau thời gian dày công nghiên cứu, ông Hùng cùng các cộng sự đã chế tạo thành công thiết bị tạo nước ion nông nghiệp.

Theo ông Hùng, nước tưới ion có những đặc điểm vật lý và hóa học độc đáo góp phần cải tiến chất lượng nước tưới và tiết kiệm nước, hỗ trợ quá trình hấp thụ nước và chất dinh dưỡng của cây trồng giúp cây lớn nhanh, tăng năng suất và chất lượng. Nước ion cũng giúp cải tạo đất, cân bằng hệ sinh thái trong đất, là một trong những lợi ích trong nông nghiệp phù hợp với tình hình phải “sống chung với mặn” hiện nay.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiến hành thí nghiệm thiết bị với cây cải xanh, được lặp lại 3 lần và với 3 độ mặn khác nhau, sau đó phân tích các chỉ tiêu sau khi xử lý từ tính. Kết quả cho thấy, sau khi nước sông được chạy qua 2 lần hệ thống từ trường tích hợp, các chỉ tiêu trong nước sông đã giảm mặn đáng kể.

Trong một lần thử nghiệm thiết bị thực tế tại vườn quýt của ông Trịnh Văn Nguyên (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), kết quả cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Trước đây, ông Nguyên cũng giống như nhiều hộ nông dân khác sử dụng nước sông không qua xử lý để tưới tiêu. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và đất nhiễm mặn đã làm thay đổi suy nghĩ của ông về việc đầu tư công nghệ vào trồng trọt. Sau khi sử dụng thiết bị tạo nước ion, ông Nguyên nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, cây ra trái đều và nhiều hơn, lá và trái cũng sáng bóng và đẹp hơn so với trước.

Theo tính toán từ các thí nghiệm kết hợp với theo dõi các mô hình lắp thực tế, ông Hùng cho biết, cây trồng hấp thụ tốt hơn dinh dưỡng có trong đất, phân và thuốc khoảng 15-20%, giúp tiết kiệm chi phí phân bón cho người dân. Đồng thời, chi phí sản xuất thiết bị khoảng 70 triệu đồng, rẻ hơn so với thiết bị lọc nước RO có cùng công suất trên thị trường nên dễ dàng đầu tư và lắp đặt đại trà cho người dân.

Tại các cuộc thi, thiết bị tạo nước ion nông nghiệp của nhóm tác giả được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ vật lý từ trường vào xử lý nước ngầm nhiễm phèn đồng thời thay đổi tính chất vật lý của nước giúp cây trồng hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn, tránh dư lượng phân bón trong đất quá cao dẫn đến bạc màu.

Với hiệu quả kinh tế và tính ứng dụng cao, thiết bị tạo nước ion nông nghiệp đã đạt Giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 10 năm 2018-2019 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức và được vinh danh trong danh sách những công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.

http://daidoanket.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài