SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sở hữu trí tuệ là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ

[23/04/2024 15:57]

Khoa học và công nghệ nói chung, sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói riêng ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc đề ra. Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới 2024 (26-4) là: “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.

Ông Ngô Anh Tín - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ

Tại TP Cần Thơ, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ triển khai qua các giai đoạn đã tác động tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, xã hội của thành phố. Hoạt động tuyên truyền về SHTT được triển khai với nhiều hình thức và tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội, chính quyền địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Trao đổi với Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết:

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Năm 2022 là năm đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương, trong đó Cần Thơ là một trong những địa phương tham gia thí điểm. Năm 2023, khi triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc, thành phố kỳ vọng sẽ thuộc top 10 địa phương dẫn đầu.

Kết quả Công bố vào ngày 12/3 vừa qua, thành phố Cần Thơ xếp thứ 5 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023, với điểm số 49,66. Trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như: cơ sở hạ tầng (55,45 điểm, đứng thứ 9); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (52,52 điểm, đứng thứ 12); thể chế (50,02 điểm, đứng thứ 6)… Điều này phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên và cơ cấu kinh tế của địa phương trong vùng. Thành phố cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra đổi mới sáng tạo đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Kết quả này cho thấy, thành phố nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ với đơn vị đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cùng giống cây trồng.

Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà bộ là mộ trong những sản phẩm đặc trưng được thành phố hỗ trợ đăng ký quyền SHTT

PII có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt với thành phố bởi thông qua bộ chỉ số này thành phố sẽ phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời đây cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn cho thành phố điều chỉnh công tác điều hành, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo động lực để thành phố đưa ra các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương.

Thời gian qua, ngành KH&CN của thành phố đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… theo đó tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp thành phố Cần Thơ đến năm 2022 đạt 13,31%.  Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là: 32,5%. Kết quả đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của thành phố. KH&CN từng bước đã khẳng định được vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

* Vậy TP Cần Thơ có các hoạt động nào để hưởng ứng ngày SHTT năm nay, thưa ông?

Chủ đề chào mừng ngày SHTT năm nay có ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh vai trò SHTT trong khuyến khích, hỗ trợ và tăng cường các giải pháp ĐMST quan trọng hướng tới xây dựng tương lai chung dựa trên SDG mà Liên hiệp quốc đưa ra. Chào mừng Ngày SHTT thế giới và tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “SHTT - Nền tảng thúc đẩy ĐMST và phát triển kinh tế - xã hội”. Hội thảo kỳ vọng sẽ chia sẻ, cung cấp và kết nối thông tin hữu ích về SHTT giúp tổ chức, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp tham gia nâng cao nhận thức về SHTT, thúc đẩy hoạt động ĐMST, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hội thảo tập trung trao đổi các nội dung về SHTT trong thúc đẩy ĐMST và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tài sản trí tuệ từ hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo tại trường đại học; giải pháp nâng cao giá trị doanh nghiệp thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ và phiên tọa đàm “Giải pháp phát huy vai trò của SHTT thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đã được bảo hộ quyền SHTT; hoạt động tư vấn, kết nối đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở còn có các hoạt động tuyên truyền trên báo, đài, treo băng rôn: “Chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024” tại tuyến đường của thành phố.

Các hoạt động đào tạo, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được tăng cường về số lượng với phạm vi bao phủ cho nhiều nhóm chủ thể khác nhau. Qua đó góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực của cả hệ thống SHTT của địa phương. Thời gian qua, thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ các giai đoạn, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã quan tâm hơn về bảo hộ quyền đối với tài sản vô hình. Giai đoạn 2016-2020, các tổ chức, cá nhân đã dần chủ động đăng ký bảo hộ SHTT, kết quả ghi nhận TP Cần Thơ có 2.406 đơn đăng ký bảo hộ được Cục SHTT chấp nhận (tăng 56,8% so với giai đoạn 2011-2015) và 1.434 văn bằng bảo hộ được cấp mới (tăng 34,5% so với giai đoạn 2011-2015).

* Thời gian tới, ngành KH&CN thành phố sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ, thúc đẩy việc xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, thưa ông?

Bám sát các chiến lược, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 1-11-2021 phê duyệt chương trình Phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030. Theo đó, chương trình hướng tới mục tiêu đưa SHTT tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích ĐMST và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, doanh nhân, viện trường, tổ chức và cá nhân về tài sản trí tuệ; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả theo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định tại chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030. Kịp thời hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; giống cây trồng theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Cụ thể như chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Cần Thơ; xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn TP Cần Thơ; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu Bánh tráng Thuận Hưng; xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn; Phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng;…

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ sẽ là kim chỉ nam để các ngành, lĩnh vực khác chủ động lồng ghép nội dung SHTT vào hoạt động quản lý nhà nước của thành phố và triển khai một cách hiệu quả; thúc đẩy phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các hoạt động sáng tạo; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

Mỹ Thanh - Báo Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài