SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ - Hạt nhân và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới

[08/12/2023 18:20]

Nhằm nâng cao năng lực cho công tác quản lý Nhà nước để đảm bảo an toàn, an ninh bức xạ, ứng phó sự cố bức xạ - hạt nhân và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới cho các cơ quan quản lý và cơ sở bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn thành phố và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới” vào sáng ngày 08/12/2023, tại khách sạn Ninh Kiều 2, Cần Thơ.

TS. Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo, có TS. Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Ths. Nguyễn Hào Quang, Trưởng phòng Ứng phó sự cố - Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố, Ths. Tào Xuân Khánh – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến, KS. Lã Trường Giang –Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố, TS. Lưu Anh Tuyên – Phụ trách Phòng Vật lý và phân tích hạt nhân, Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, và trên 100 đại biểu đại diện Sở, ngành, cơ sở bức xạ trên địa bàn thành phố và cơ sở bức xạ các tỉnh ĐBSCL.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo này, đại biểu được cung cấp thông tin về Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách và quy định pháp luật năng lượng nguyên tử về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; Kinh nghiệm trong công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất về thiết bị phục vụ ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh; Một số vấn đề về phương pháp và thiết bị đo liều trong kiểm xạ và đo liều cá nhân, khuyến cáo lựa chọn thiết bị phù hợp cho từng mục đích cụ thể; Vận hành thiết bị ghi đo bức xạ, tính năng kỹ thuật, để phục vụ công tác tự kiểm tra, đánh giá về an toàn bức xạ của người phụ trách an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế; Kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn bức xạ của các thiết bị X-quang trong y tế phục vụ chẩn đoán hình ảnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn” và “Cập nhật kiến thức cho người phụ trách an toàn bức xạ tại cơ sở y tế; Triển khai quy định về lập hồ sơ quản lý an toàn bức xạ tại cơ sở, Quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn bức xạ.

Ths. Nguyễn Hào Quang, Trưởng phòng Ứng phó sự cố - Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố báo cáo tại hội thảo

Ths. Tào Xuân Khánh – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố báo cáo tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 90 cơ sở bức xạ, trong đó có gần 68 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang phục vụ chẩn đoán bệnh trong y tế với gần 200 thiết bị và 400 nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn. Tính đến 30/11/2023 đã có 08 lượt vận chuyển nguồn phóng xạ đến và đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ (07 lượt vận chuyển nguồn phóng xạ Iridium 192, 01 lượt vận chuyển nguồn Cobalt-60), tăng 04 lượt so với năm 2022. Qua đó, cho thấy nhu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, năng lượng bức xạ phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng.

Để chủ động bảo đảm an toàn bức xạ, Sở KH&CN TP. Cần Thơ đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng phó với các sự cố bức xạ và tăng cường quản lý về an toàn bức xạ tại cơ sở. Đồng thời, triển khai Thông tư 19/2023/TT-BKHCN ngày 20 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.


Đại biểu tham dự hội thảo

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ - Hạt nhân và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới là hoạt động cần thiết và rất có ý nghĩa. Trong những năm gần đây, sự phát triển ứng dụng bức xạ rất mạnh mẽ, cả nước có 1.800 cơ sở bức xạ, sơ sở hạt nhân. Các ứng dụng bức xạ mang lại hiệu quả to lớn cho các ngành then chốt trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường,… Theo số liệu của cơ quan quản lý, năm 2022, số lượng phóng xạ tăng từ 10-15%. Từ đó, cho thấy ngưỡng bức xạ là một lĩnh vực phát triển nhanh so với các ngành khác. Đi đôi với những đóng góp to lớn cho xã hội, công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân và môi trường thì bức xạ hạt nhân tiềm ẩn những rủi ro, sự cố tai nạn, các vấn đề đảm bảo an toàn. Nước ta đã xảy ra những sự cố liên quan đến vấn đề mất các nguồn phóng xạ tại nhà máy thép, nhà máy xi măng,… Do vậy, vấn đề đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro là rất cần rhiết. Tính đến tháng 10/2023, Nhà nước đã phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của 56/63 tỉnh thành trong cả nước.

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài