Một số kết quả và kinh nghiệm triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Là một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tuy nhiên những năm trước đây hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa sôi động.
Tuy nhiên, từ khi Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được triển khai trên địa bàn đã bước đầu có một số kết quả nhất định tác động đến hoạt động sở hữu trí tuệ cũng như tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương. Bài viết này xin được trình bày một số kinh nghiệm và kết quả bước đầu của việc triển khai Chương trình tại địa phương.
1. Tình hình chung
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn về Luật SHTT và các văn bản pháp luật liên quan để các cơ quan quản lý cùng các doanh nghiệp nhận thức được vai trò của tài sản trí tuệ trong nền kinh tế cạnh tranh và hội nhập. Từ đó đã chủ động đề xuất dự án tham gia Chương trình phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, của các tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong 6 năm qua, Sở đã tham mưu đề xuất 16 dự án tham gia Chương trình. Sau khi dự án được đưa vào danh mục, Sở đã chủ động hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các tổ chức xây dựng dự án tham gia tuyển chọn và triển khai thực hiện. Trong thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 4 dự án được Chương trình phê duyệt để thực hiện, đó là dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế”; “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế”; Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế” cho nhóm dịch vụ ẩm thực Cung đình Huế; “Tuyên truyền phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế”. Tổng kinh phí của 4 dự án nói trên là 2.256.256.095 đồng, trong đó kinh phí trung ương: 1.705.478.000 đồng, kinh phí địa phương: 426.278.000 đồng, nguồn khác: 77.830.000 đồng.
Trong số các dự án đã được phê duyệt, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án đã hoàn thành và được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá xuất sắc.
Bên cạnh việc tham gia Chương trình ở trung ương, các Phòng Công thương/Kinh tế cấp huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN của huyện, nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các tổ chức kinh tế tập thể xác lập quyền cho các nhãn hiệu tập thể, trong đó đặc biệt là nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương để từ đó có thể tham gia Chương trình trong giai đoạn quản lý và phát triển.
Để nâng cao năng lực cán bộ cho việc triển khai các hoạt động Chương trình, trong thời gian qua, Sở đã cử hơn 20 lượt cán bộ thuộc Sở và mời 20 lượt cán bộ của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo và 2 lượt cán bộ tham gia các đoàn khảo sát trong và ngoài nước do Chương trình tổ chức. Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với Cục SHTT tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu triển khai, các doanh nghiệp trên địa bàn như: bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương; khai thác thông tin SHTT; hướng dẫn xây dựng các dự án tham gia Chương trình…, qua đó đã nâng cao một bước về nhận thức cho cán bộ, các doanh nghiệp về xác lập, khai thác và phát huy giá trị của quyền SHTT. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Cục SHTT, Sở KHCN đã phối hợp với Đại học Huế mở nhiều lớp tập huấn về khai thác thông tin SHTT cho đội ngũ giảng viên và sinh viên các năm cuối của Đại học Huế.
2. Những kết quả bước đầu
Trong những năm qua, thông qua hoạt động của Chương trình, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí đối ứng của địa phương tham gia các dự án của Chương trình do trung ương quản lý và các dự án trung ương ủy quyền địa phương quản lý (kinh phí đối ứng của địa phương đã cấp cho các dự án được duyệt là 426.078.000 đồng).
Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển một số sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó đáng kể là việc nón lá Huế được cấp chỉ dẫn địa lý đã góp phần nâng cao hơn nữa giá trị cùng văn hóa và uy tín của chiếc nón Huế cùng nghề làm nón ở tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ trong cả nước mà còn cho khách quốc tế tham quan Huế. Sản phẩm Thanh trà Huế cũng đã có bước phát triển đáng kể cả về chất lượng, uy tín và lợi nhuận. Năm 2010, sản phẩm Thanh trà Huế đã đồng loạt được đưa vào bán lẻ tại 13 siêu thị trong hệ thống siêu thị Fivimart tại Hà Nội. Việc tham gia dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế của HTX Thủy Biều không chỉ có ý nghĩa về kinh tế cho những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm thanh trà Huế mà còn tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiến hành những dự án nghiên cứu về giống cây trái đặc sản này trong tương lai.
Bên cạnh việc phát triển các đặc sản địa phương thông qua việc thực hiện các dự án của Chương trình, trong các năm qua, các địa phương trong tỉnh hỗ trợ cho việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản, làng nghề và các cơ sở sản xuất trên địa bàn như: huyện Phú Vang (hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể Nấm Phú Lương, nước mắm Phú Thuận), huyện Hương Trà (hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể Kiệu Hương Chữ, Xuân Long, Mộc Hương Hồ, Nước mắm Làng Dừa, Bưởi cốm Hương Thọ và một số nhãn hiệu của các cơ sở) huyện Phong Điền (nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phong Hải), huyện Phú Lộc (cho nhãn hiệu tập thể Dầu tràm Lộc Thủy), thị xã Hương Thủy (cho nhãn hiệu tập thể Hương Thủy), thành phố Huế (nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế), huyện Quảng Điền (cho 9 nhãn hiệu của các cơ sở)…
Việc triển khai các hoạt động của Chương trình đã tạo thêm phần sôi động trong hoạt động SHTT trên địa bàn, đặc biệt là qua Chương trình SHTT và cuộc sống trên đài phát thanh truyền hình tỉnh đã góp phần nâng cao một bước những kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng mà đặc biệt là các doanh nghiệp và góp phần đưa pháp luật về SHTT vào cuộc sống. Các doanh nghiệp đã có ý thức hơn về việc xác lập quyền cho các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình-số lượng đơn đăng ký bước đầu đã tăng so với năm trước (11 tháng 2010 đã có 78 đơn được nộp so với 48 đơn của năm 2009); một số doanh nghiệp cũng đã biết thực hiện quyền của chủ văn bằng tự bảo về tài sản trí tuệ.
Qua Chương trình, đội ngũ cán bộ của các cơ quan quản lý về SHTT trong tỉnh cũng được trang bị thêm một phần kiến thức quan trọng để thực hiện hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của cả nước nói chung.
3. Những thuận lợi và khó khăn
Thuận lợi: Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự giúp đỡ, hướng dẫn của Cục SHTT cùng các Trung tâm thuộc Cục đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia và đã có những kết quả nhất định trong việc phát triển các đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về quyền SHTT.
Khó khăn: Nhu cầu của các tổ chức, các doanh nghiệp mong muốn được tham gia Chương trình khá nhiều; các đặc sản địa phương cần được hỗ trợ để xác lập quyền và tổ chức mô hình quản lý cũng khá lớn, tuy nhiên bên cạnh nguyên nhân chủ quan do năng lực cán bộ của các ngành, các địa phương trong tỉnh còn hạn chế trong việc hỗ trợ, hướng dẫn cho các tổ chức kinh tế trong việc quản lý, khai thác giá trị của nhãn hiệu chưa được phát triển một cách có hiệu quả và bền vững còn có nguyên nhân khách quan là chưa được tham gia nhiều trong các dự án và các hoạt động của Chương trình.
Doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc khai thác thông tin SHTT phục vụ cho cải tiến, đổi mới công nghệ chưa làm được; các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa có khả năng thương mại hóa các tài sản trí tuệ của mình; không ít doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ tài sản SHTT của doanh nghiệp mình và làm thế nào để tổ chức quản lý và phát triển trong sản xuất và kinh doanh; việc xác lập quyền SHTT đối với các dự án, các đề tài nghiên cứu của Đại học Huế chưa có nhiều, nên chưa tham gia Chương trình trong các nội dung liên quan đến việc đưa sáng chế và sản xuất.
4. Những kinh nghiệm bước đầu
- Tranh thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo và Ban thư ký của Chương trình.
- Tham gia Chương trình ở Trung ương và xây dựng Chương trình ở địa phương;
- Tổ chức sơ kết, đánh giá hàng năm về việc triển khai Chương trình của Trung ương và địa phương để chủ động đề xuất, xây dựng các dự án và rút kinh nghiệm tổ chức quản lý dự án có hiệu quả;
- Không ngừng nâng cao nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý về SHTT ở tỉnh và huyện. Nâng cao năng lực của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển bền vững tài sản trí tuệ sau khi đã tạo lập nhằm tạo sự cân bằng trong hoạt động của các cơ quan quản lý về SHTT và các doanh nghiệp trong việc tổ chức quản lý, khai thác và phát triển tài sản SHTT.
Để Chương trình đạt được hiệu quả cao hơn, tại hội nghị tổng kết Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ một số nội dung như việc phê duyệt các nội dung và kinh phí của dự án thuộc Chương trình có phần kinh phí đối ứng của địa phương (các dự án Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý) còn chưa phối hợp được chặt chẽ nên ảnh hưởng đến tiến độ, nguồn kinh phí và việc tổ chức quản lý dự án; đề nghị lồng ghép Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ với các chương trình quốc gia như Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng, Chương trình Phát triển sản phẩm mới,... để có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
www. skhcn.hue.gov.vn (nvdat)