Nghiên cứu phát triển cao su tiểu điền tại tỉnh Thừa Thiên – Huế
Đề tài do PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, ThS. Trần Phương Đông (ĐH Nông lâm Huế) thực hiện đánh giá tổng thể vườn cây cao su vào thời gian khai thác.
Theo
đó, diện tích cao su Thừa Thiên - Huế là 7858,9 ha, tiểu điền chiếm 97,8%, phân
bố ở 4600 nông hộ thuộc 5 huyện, 26 xã, trong đó 10 xã dân tộc thiểu số. Phát
triển cao su theo quy mô nhỏ, bình quân chỉ đạt 1,39 ha cao su/hộ. Thành phần
giống khá phong phú: RRIM600, GT1, PB260, PB235, RRIV3, RRIV4, RRIC121. Cao su
được trồng theo chương trình 327 và dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Thực tế sản
xuất cho thấy một số giống sinh trưởng tốt và bước đầu thích ứng tốt với điều
kiện Thừa Thiên – Huế như RRIM600, GT1 và PB260. Độ biến động về chiều cao
cành, vanh thân và năng suất cá thể tương đối cao. Hàm lượng mủ khô (DRC) mùa
mưa thấp hơn rõ rệt so với mùa khô. Áp dụng chế độ cạo dày đặc là nguyên nhân
chính làm giảm năng suất mủ, đại bộ phận các vườn cây đang khai thác đều vi
phạm tiêu chuẩn khai thác của ngành. Bệnh loét sọc mặt cạo, khô miệng cạo, rụng
lá phấn trắng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Đề tài kiến nghị, cao su là cây đa
chức năng trên vùng gò đồi Thừa Thiên – Huế nên cần có quy hoạch để khai thác
hết diện tích, thay thế các vườn keo kém hiệu quả trên vùng gò đồi. Có các
chương trình hỗ trợ về rèn luyện tay nghề để giúp nông dân thực hiện đúng quy
trình cạo mủ, đảm bảo yêu tố khai thác lâu dài của vườn cây. Khuyến khích nông
dân đầu tư thích đáng để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích hiện có.