Khó kiểm soát tình trạng nước mắm Phú Quốc rởm, nhái
Tính đến năm 2011, thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp quyết định đăng bạ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ tròn 10 năm. Tuy nhiên tình trạng hàng giả, hàng nhái nước mắm Phú Quốc vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), đảo Phú Quốc có gần 100 cơ sở sản xuất nước mắm, tổng sản lượng bình quân 13-15 triệu lít/năm. Song phần lớn đều là DN vừa và nhỏ. Trong chuỗi sản xuất từ khâu đánh bắt đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa có sự liên kết vì lợi ích chung, khiến việc triển khai bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm còn vướng mắc.
Ông Lương Thanh Hải, GĐ Sở KH-CN Kiên Giang cho hay, nước mắm Phú Quốc được sản xuất từ nguyên liệu cá cơm và muối, theo phương pháp truyền thống ủ chượp lên men suốt thời gian 12 tháng. Nhờ đó, tạo ra sản phẩm nước mắm có những đặc trưng vượt trội về màu, mùi, vị và đạm chất, không có loại nước mắm nào có thể sánh được. Vì vậy, nước mắm Phú Quốc từ lâu đã trở thành sản phẩm nổi tiếng với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Do thương hiệu nổi tiếng đã khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái nước mắm Phú Quốc phát triển đến mức không thể kiểm soát nổi. Mặt khác, do lịch sử hình thành và phát triển, cùng với cách làm ăn nhỏ lẻ lâu đời, nên nước mắm Phú Quốc tồn tại quá nhiều nhãn hiệu, thương hiệu có chung một chỉ dẫn địa lý, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và danh tiếng của sản phẩm”-ông Hải nhìn nhận.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, PGĐ Cty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà bức xúc: Nhiều DN tỉnh khác, chỉ cần đăng ký tên Cty có chữ Phú Quốc là ngẫu nhiên trên nhãn sản phẩm nước mắm của họ sử dụng chữ Phú Quốc mà không vi phạm pháp luật về nhãn hiệu. Thậm chí, trước khi nước mắm Phú Quốc chưa được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, thì ở Thái Lan đã có nhiều DN đăng ký nhãn mác Phú Quốc, lợi dụng tên tuổi nổi tiếng để trục lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã có quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc đối với sản phẩm nước mắm, nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Trong khi thị trường tiêu thụ lại thả lỏng, mặc sức cho hàng giả lộng hành. Mặt khác, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã thiếu quyết tâm thực hiện chương trình vun đắp thương hiệu chung và chấp hành không nghiêm quy chế sản xuất.
“Bất kỳ DN nào không phải là thành viên của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc mà sử dụng logo nước mắm Phú Quốc thì hiệp hội sẵn sàng khởi kiện. Mọi sản phẩm muốn được mang logo nước mắm Phú Quốc đều phải được sản xuất từ cá cơm, phải tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt của nước mắm Phú Quốc truyền thống. Nếu sản phẩm nước mắm không có logo đều là nước mắm Phú Quốc rởm”-bà Nguyễn Thị Tịnh. |
Một chuyên viên thuộc Viện Chính sách, chiến lược phát triển NN-NT (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý bộc lộ nhiều bất cập, như chỉ kiểm soát sản phẩm cuối cùng. Thừa nhận quá nhiều chủng loại sản phẩm với vô vàn nhãn mác khác nhau, độ đạm nước mắm quá đa dạng, chưa có quy định về màu sắc… Có 2 vấn đề đặt ra cho công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi nước mắm Phú Quốc hiện nay. Một là, không thể cấm các DN sản xuất nước mắm ở các địa phương khác đưa chữ “Phú Quốc” lên nhãn mác sản phẩm của họ. Hai là, phải làm thế nào để tất cả các cơ sở sản xuất nước mắm tham gia chương trình bảo hộ thương hiệu đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiêm ngặt, nhằm giữ uy tín chung của thương hiệu.
Hiện Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã xây dựng logo và đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xây dựng quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể này. Trong đó quy định rõ hội viên muốn được đăng ký xin sử dụng nhãn hiệu tập thể (logo của hiệp hội) phải đáp ứng được các điều kiện như chấp hành tốt quy định về sản xuất nước mắm mang tên gọi Phú Quốc, phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và công bố tiêu chuẩn chất lượng…