SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, làng nghề

[28/06/2011 13:57]

Tỉnh Tuyên Quang có nhiều loại nông sản đặc sản, sản phẩm nghề truyền thống như cam sành, vịt bầu Minh Hương, mật ong rừng Yên Thuận (Hàm Yên); rượu nếp cái hoa vàng, bánh gai, mắm cá ruộng (Chiêm Hoá); rượu ngô, sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống (Nà Hang); chè sạch, rượu hai lần nếp Tân Trào (Sơn Dương); các sản phẩm thủ công nghiệp, nghề gò hàn (thành phố Tuyên Quang); chè Bát Tiên (Yên Sơn)... Mấy năm trở lại đây, tỉnh đã hình thành một số vùng nông sản hàng hoá lớn, các nghề truyền thống cũng từng bước được bảo tồn, phát triển.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sản phẩm nông sản và sản phẩm làng nghề khó phát triển bền vững nếu không xây dựng được một thương hiệu, trong khi hầu hết nông dân vẫn tự sản xuất và tiêu thụ. Để nông dân có thể sống được với nghề nông, thực sự hồi sinh và phát triển những nghề truyền thống thành làng nghề rất cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành, doanh nghiệp.

Góp phần tháo gỡ vấn đề này ngay từ đầu năm, Sở đã gửi văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát các sản phẩm đặc thù của địa phương cần thiết phải xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để Sở tổng hợp, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào danh mục các dự án thực hiện trong 2 năm (2012 - 2013). Nội dung đề xuất các dự án bao gồm: Tên dự án, căn cứ đề xuất và xây dựng dự án; mục tiêu, dự kiến kết quả, sản phẩm dự án; nội dung và phương án triển khai dự án.
Tuy nhiên, chỉ có huyện Hàm Yên là có sản phẩm vịt bầu Minh Hương đề nghị xây dựng nhãn hiệu tập thể. Cái khó ở chỗ sản xuất của tỉnh ta quy mô còn nhỏ, một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của thương hiệu hàng hoá. Hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở địa phương, cơ sở. Cán bộ của Sở làm chyên trách về lĩnh vực này quá ít (chỉ có 2 người phụ trách 3 lĩnh vực được giao) nên việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ chưa được nhiều. Hơn nữa, bản thân Luật Sở hữu trí tuệ cũng không bắt buộc người sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ gặp khó khăn.
Một sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ rất tốt là cam sành Hàm Yên. Cam có mẫu mã đẹp, chất lượng cao do được trồng trên vùng núi đá, khí hậu mát mẻ quanh năm với quy trình công nghệ an toàn do Hội cam sành Hàm Yên tổ chức và giám sát chặt chẽ, chịu trách nhiệm từ khâu chỉ đạo cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Qua thời gian được chứng nhận thương hiệu, cam sành Hàm Yên ngày càng tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Huyện cũng đã phát triển diện tích lên 2.500 ha, tập trung ở các xã Phù Lưu, Yên Lâm, Tân Thành, Bạch Xa, Yên Thuận tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Sản phẩm chè Shan tuyết Nà Hang hiện đang trong quá trình xây dựng thương hiệu cũng hứa hẹn sự phát triển. Phát triển được vùng chè Shan, bà con ở Nà Hang không chỉ có nguồn thu nhập, mà vùng chè còn là những khu rừng phòng hộ chắc chắn, bảo vệ môi trường sinh thái lâu dài. Đến thời điểm này, Chi cục HTX và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cũng đã hỗ trợ xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống như miến dong Hợp Thành, xã Lực Hành (Yên Sơn), mắm cá ruộng Cổ Linh, xã Kim Bình (Chiêm Hoá).

Nói về quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của gia đình, chị Phạm Thị Định, chủ cơ sở sản xuất “Rượu hai lần nếp Tân Trào” tại thị trấn Sơn Dương cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu hàng hoá, chị đã “lặn lội” đến các cơ quan liên quan hỏi về thủ tục xây dựng thương hiệu, sau đó đề nghị Sở Y tế kiểm định chất lượng rượu, cấp chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Kết quả, Cục đã cấp giấy chứng nhận rất nhanh, không phải chờ lâu như chị đã nghĩ. Nhờ xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm “Rượu hai lần nếp Tân Trào” được tiêu thụ nhanh hơn, có nhiều khách hàng ở tỉnh ngoài biết đến đã tìm đến tận cơ sở của chị mua làm quà biếu.
Để các vùng nông sản, nghề truyền thống phát triển bền vững, tạo được thương hiệu cần tạo ra sản phẩm chất lượng, có tính đặc thù riêng, có thị trường tiêu thụ rộng, chiếm được lòng tin khách hàng và phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện các dự án nông thôn miền núi, trong đó tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Tiếp tục tập trung bảo tồn nghề truyền thống qua việc mở các lớp học, tạo điều kiện để các nghệ nhân trực tiếp mở lớp truyền nghề, đào tạo lao động có tay nghề nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng; tiếp tục nghiên cứu cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới để tạo đặc trưng riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường xử lý chất thải, vệ sinh môi trường vùng sản xuất, làng nghề. Tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa sản phẩm tham dự triển lãm, hội chợ; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn phát triển nghề với phát triển du lịch.

www.baotuyenquang.com.vn (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ