Lợi ích của công trình khí sinh học
Thực hiện Dự án “Hỗ trợ Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi ở một số tỉnh Việt Nam" giai đoạn 2003 – 2011, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt, vận hành được 5.650 công trình khí sinh học, vượt 650 công trình so với chỉ tiêu đề ra. Khảo sát của Văn phòng Dự án khí sinh học tỉnh Tiền Giang cho thấy, các công trình khí sinh học đã mang lại lợi ích lớn, giúp bảo vệ môi trường chăn nuôi và hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Bà con khi lắp
đặt công trình khí sinh học thu lại được khí ga sinh học, dùng đun nấu, làm
nhiên liệu chạy máy phát điện. Bã thải khí sinh học làm phân bón cho cây trồng
hoặc làm thức ăn cho trùn quế, cho cá nuôi rất tốt. Công trình khí sinh học
giúp giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, giảm thiểu
phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính... Chỉ tính hiệu quả làm nhiên liệu đun
nấu, một công trình khí sinh học tiết kiệm 3 triệu đồng/năm, như vậy với 5.650
công trình mỗi năm tiết kiệm trên 15 tỉ đồng.
Được sự trợ
giúp của các chuyên gia, trên 300 hộ chăn nuôi trang trại trong tỉnh còn ứng
dụng khí ga sinh học để chạy các máy phát điện công suất 3 Kw, 5 Kw, 7,5 Kw
phục vụ thắp sáng, chạy máy bơm nước..., tiết kiệm được 200.000 – 300.000 đồng
tiền điện/hộ/tháng. Văn phòng Dự án khí sinh học Tiền Giang còn tổ chức 23 mô
hình trình diễn dùng bã thải khí sinh học làm phân bón rau màu, cây ăn quả và
trồng cỏ chăn nuôi, giúp giảm lượng phân vô cơ, giảm chi phí, tái tạo độ phì
nhiêu cho đất canh tác; mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi những lợi ích của
công trình khí sinh học mang lại cho cộng đồng.
Dự án “Hỗ trợ
Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi ở một số tỉnh Việt Nam” được
Chính phủ Hà Lan tài trợ, triển khai trong giai đoạn 2003 – 2011 tại một số tỉnh
trên cả nước trong đó có Tiền Giang. Tham gia dự án, mỗi hộ dân được hỗ trợ 1 -
1,2 triệu đồng/công trình, trong đó vốn đối ứng của tỉnh từ 500.000 đến 575.000
đồng/công trình tùy theo từng giai đoạn.