Vai trò to lớn của hoạt động TCĐLCL trong thúc đẩy hội nhập quốc tế
Trải qua 55 năm trưởng thành và phát triển, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những đóng góp lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1986 trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có nhiều hoạt động thể hiện tính chủ động, tích cực trong tham gia đàm phán với các tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, thử nghiệm và chất lượng; duy trì và phát triển sự hợp tác với nhiều quốc gia, với các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tư liệu và nghiệp vụ công tác.
Điều này góp phần lớn lao làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trong các tổ chức trên dần được khẳng định. Kết quả, tính đến cho đến nay Việt Nam đã trở thành viên của hơn 20 tổ chức quan trọng của Quốc tế và khu vực trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và quản lý chất lượng, trong đó có những tổ chức lớn và có uy tín như WTO, ISO, IEC, OIML, APLMF, APQO, APO…
Đặc biệt, riêng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hiện đang đại diện cho Việt Nam tham gia 14 tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn hóa, đo lường, chất lượng với những đóng góp vô cùng quan trọng cho quá trình hội nhập của đất nước nhất là trong lĩnh vực đo lường, chất lượng.
Qua 55 năm trưởng thành và phát triển, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổng cục đã phối hợp tốt với các đơn vị khác thuộc ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng làm tốt công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước để ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao, đạt tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế.
Lễ ký kết hợp tác giữa Cơ quan Thử nghiệm KTC - Hàn Quốc và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng trải qua quãng thời gian 55 năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Cụ thể, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hiện nay đang đại diện cho Việt Nam tham gia 14 tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn hóa, đo lường, chất lượng, năng suất và mã số mã vạch như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ), Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC (SCSC), Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và các tổ chức về đo lường như OIML, APMP ...
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng duy trì hợp tác với khoảng 30 đối tác nước ngoài bao gồm cả các cơ quan tiêu chuẩn hóa của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều đối tác khác.
Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng còn tham gia sâu vào các hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập, đóng góp nhiều ý kiến cho các văn kiện, chiến lược ngắn hạn và dài hạn của các tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế được bạn bè quốc tế đánh giá cao, chủ trì nhiều phiên họp của các tổ chức quốc tế và khu vực, khai thác có hiệu quả từ những hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực về thử nghiệm, chứng nhận và năng lực của cán bộ, chuyên gia trong ngành TCĐLCL.
Bà Vũ Thị Tú Quyên cho biết thêm, nội dung hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… đang ngày càng gắn kết chặt chẽ với các yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Điều này mang lại đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Những hoạt động hợp tác quốc tế trong những năm gần đây ngày càng trở nên thiết thực hơn. Hoạt động hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp đã không ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi trong thương mại”, bà Quyên chia sẻ.
Cuối cùng, khi đánh giá về lợi ích của việc hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL đối với việc gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa toàn cầu của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), bà Vũ Thị Tú Quyên cho rằng Việt Nam hiện đang làm tốt vai trò của mình trong góp ý, xây dựng các văn bản quan trọng của AEC và dần nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng này.
Theo bà Vũ Thị Tú Quyên, kể từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Các nước ASEAN đã cùng nhau thảo luận để tăng cường hài hòa tiêu chuẩn, hài hòa quy chế quản lý, thúc đẩy MRA đã ký kết và tiếp tục thống nhất MRA đối với các sản phẩm ưu tiên hội nhập trong khu vực qua đó gỡ bỏ rào cản kỹ thuật đối với khu vực ASEAN.
Ngoài ra, các nước ASEAN cũng thúc đẩy triển khai các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN+ đã ký kết và thực hiện đàm phán các FTA mới đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước lớn mở ra cơ hội tạo thuận lợi hóa thương mại trên phạm vi rộng lớn hơn nhiều.