Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Tổng cục Sở Hữu Trí Tuệ Trung Quốc
Từ ngày 18-21/10/2017, đoàn cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (SIPO) do ông Liao Tao, Phó Tổng cục trưởng dẫn đầu, đã sang công tác tại Hà Nội.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đã tiếp và làm việc với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc Liao Tao trong ngày công tác đầu tiên tại Hà Nội. Tại buổi tiếp, hai bên cùng chia sẻ những phát triển mới nhất của hệ thống sở hữu trí tuệ hai nước, đồng thời bày tỏ sự vui mừng về việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cho rằng việc ký kết đánh dấu một bước phát triển mới của sự hợp tác giữa hai cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia. Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, và cho rằng việc Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam về lĩnh vực này sẽ là một cơ hội tốt để Cục Sở hữu trí tuệ có thể học hỏi được những bài học quý, góp phần giúp Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và cấp bách này do Chính phủ giao phó.
Kết thúc buổi tiếp, Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Phó Tổng cục trưởng Liao Tao đã cùng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đây là Bản ghi nhớ sửa đổi của Thỏa thuận hợp tác ký ngày 31/8/2006. Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ, hai Cơ quan sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tăng cường hợp tác về xây dựng luật, chính sách, chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, định giá và đánh giá tài sản trí tuệ, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ thông tin sáng chế, trao đổi thông tin dữ liệu và nâng cao nhận thức công chúng về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hai Bên cũng đẩy mạnh hợp tác về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian. So với Thỏa thuận hợp tác 2006, Bản ghi nhớ 2017 đã mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới, như xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Vì vậy, việc ký kết Bản ghi nhớ được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực hỗ trợ sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, bởi hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những hệ thống sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới.
Bên cạnh việc ký kết Bản ghi nhớ, đoàn cán bộ Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cũng có các buổi trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ về xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Tại buổi trao đổi, các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ đã được nghe Đoàn trình bày về quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, đồng thời những đánh giá tổng quan về vai trò của Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng về sở hữu trí tuệ đang được triển khai tại Trung Quốc cũng được chia sẻ một cách cởi mở và chi tiết. Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm, đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Đoàn tại các buổi trao đổi này, đã bày tỏ sự đánh giá cao về các thành quả mà Trung Quốc đã đạt được, và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của SIPO trong các lĩnh vực lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia này.
Trong thời gian công tác tại Hà Nội, Đoàn cũng đi thăm và tìm hiểu về các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phổ biến sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học khoa học xã hội nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội và Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các buổi làm việc đã cung cấp các kinh nghiệm, thông tin bổ ích cho các bên, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa SIPO và các tổ chức nói trên.