Tạo thế đứng vững cho hàng Việt nhờ nâng cao chất lượng, giữ gìn thương hiệu
Ngoài giá cả, hàng Việt cần được nâng cao chất lượng, giữ gìn, quảng bá tốt thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh với hàng hóa từ nước ngoài.
Ảnh minh họa từ báo Bắc Ninh.
Sau 8 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những sản phẩm "Made in Vietnam" đã được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Tuy nhiên, hiện nay giá cả không còn là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng. Theo đó, chất lượng sản phẩm ổn định, bền vững mới chính là yếu tố làm nên lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, Đề án phát triển thị trường trong nước, kết nối cung cầu do Bộ Công Thương chủ trì đang giúp doanh nghiệp nội tăng cường sự hiện diện các sản phẩm sản xuất trong nước tại các hệ thống phân phối hiện đại. Hiện tại, hàng Việt có mặt tại các chuỗi siêu thị đã chiếm tỷ lệ cao (như siêu thị BigC là 80%).
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhận định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng, đầu tư hệ thống phân phối để giúp người tiêu dùng có cơ hội sở hữu những sản phẩm tốt nhất.
Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các sản phẩm Việt có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Nhưng trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hơn trong chăm sóc khách hàng...
Theo nhận định từ Sở Công Thương Hà Nội, vấn đề nhãn mác, bao bì hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư đúng mức, đặc biệt với ngành thực phẩm thì bao bì chưa tương xứng với chất lượng, giá trị hàng hóa. Điều này làm giảm khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm tới thị trường quốc tế.
Ông Vũ Thanh Sơn, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, bao bì sản phẩm hấp dẫn sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu qua nhận diện sản phẩm. Đây cũng là yếu tố tác động và thúc đẩy quá trình mua hàng của người tiêu dùng.
Để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa, đặc biệt là vùng nông thôn. Tại phiên chợ Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Thạch Thất mới đây, nhiều người cho rằng, sản phẩm Việt có uy tín khi xuất khẩu, nhưng cùng nhãn hiệu đó hàng dành cho thị trường nội địa, nhất là vùng nông thôn, chất lượng lại thua hàng ngoại nhập, nên họ ít tiêu thụ hàng nội.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải chú ý những hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng.
Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện, 92% người tiêu dùng được hỏi "rất quan tâm" và "quan tâm" đến cuộc vận động; 63% người tiêu dùng "tự xác định mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị chiếm từ 80 đến 85%. Số liệu nghiên cứu của Công ty Đo lường toàn cầu (Nielsen) cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh và 83% người tiêu dùng tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt khi mua sắm.
|