SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ông chủ Asanzo: 'Khởi nghiệp cần có sự khác biệt'

[07/12/2017 10:19]

Theo Chủ tịch Phạm Văn Tam, startup nên chọn hướng phát triển mà các đối thủ chưa làm, không đi theo khuôn mẫu của một doanh nghiệp nào.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam.

Người đứng đầu Asanzo từ tay trắng đã gầy dựng tập đoàn sản xuất tivi, linh kiện điện tử, đồ gia dụng có doanh thu 3.500 tỷ đồng sau bốn năm thành lập. Có lúc đối mặt nguy cơ phá sản, thua lỗ nặng, song ông từng bước vượt qua để chiếm lĩnh phân khúc tầm trung ở nông thôn, nhờ những quyết định táo bạo, chớp thời cơ.

- Từ một người buôn đồ điện tử, ông làm thế nào để có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp?

- Khoảng năm 2000, lúc mới vào nghề, tôi cũng có những sản phẩm kinh doanh muốn chia sẻ cho mọi người làm chung mà không biết kêu gọi ai đầu tư. Thời gian đó, tôi có quen một người bạn có tiền và nhà xưởng, trong khi tôi có bạn hàng. Anh ấy mời tôi vào làm vì thấy tôi hiểu sản phẩm và có lộ trình rõ ràng để sản phẩm sinh lợi nhuận.

Tôi đã học kinh nghiệm quản trị trong hai năm đồng hành cùng công ty này bởi về kế toán, tài chính, quản lý trước đây tôi đều không có. Ở chợ đồ cũ Nhật Tảo (TP HCM), tôi chỉ có kinh nghiệm về thương trường chứ về quản lý doanh nghiệp thì không. Đó là bước đệm để tôi phát triển công việc kinh doanh khi một mình khởi nghiệp sau này.

- Khi khởi nghiệp, ông từng đứng trước nguy cơ phá sản, thua lỗ. Ông đối mặt với những khó khăn ấy ra sao?

- Có rất nhiều bài học và mỗi bài học đều là kinh nghiệm đáng giá giúp tôi vững vàng trong sự nghiệp kinh doanh. Trước kia tôi hay hiếu thắng. Khi kinh doanh, thấy công ty lớn làm gì, tôi cũng muốn đấu theo nhưng thực chất không được. Sau những thất bại, tôi đã nhận ra nhiều điều quý giá.

Chẳng hạn như muốn làm giống các doanh nghiệp lớn phải đầu tư rất mạnh về sản phẩm, nhân lực, tài chính. Họ có đội ngũ vận hành, tiếp thị… đào tạo bài bản với quân số khổng lồ. Khi áp dụng cùng một mô hình, bạn sẽ không thể đấu lại. Doanh nghiệp của bạn cũng không nên là cái bóng của hình mẫu công ty, tập đoàn nào đó.

Khởi điểm của startup ở quy mô nhỏ, cần có một con đường đi riêng. Một trong các bài học lớn nhất là xác định hướng phát triển cho chính startup của mình. Lối đi đó cần có sự khác biệt, mới hơn các đối thủ đã làm, với mục tiêu phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng.

Asanzo có thành công ngày hôm nay là vì chọn phân khúc bình dân, ngách bị bỏ ngỏ trên thị trường cách đây hơn 4 năm.

- Asanzo mới đây công bố thông tin dành ít nhất 5 triệu USD để đầu tư cho các startup và muốn đưa vài dự án khởi nghiệp vào các ngành hàng của mình. Ông đánh giá thế nào về các dự án đã gửi về?

- Một số bạn hơi ảo tưởng về dự án của mình và chưa nhìn nhận đúng thực tế thị trường. Sau khi tôi công bố thông tin đầu tư 5 triệu USD vào startup có tiềm năng, rất nhiều bạn đã liên hệ với tôi.

Có startup chưa mô tả hướng phát triển của riêng mình mà khoe các chiến tích kêu gọi vốn hay đang được tập đoàn nào đầu tư. Trong khi đó, nhiều dự án chưa thiết thực với cuộc sống, chỉ mới là những ý tưởng trên giấy. Tôi nghĩ cần phải bắt tay làm trước khi tìm nhà đầu tư thì mới hiểu nhu cầu thị trường và đưa ra những chiến lược phù hợp.

Một số startup nghĩ rằng nếu được khối ngoại rót vốn sẽ oai hơn. Nhưng thực tế, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài không đơn giản như bạn nghĩ.

- Vậy theo ông, đâu là những điểm mạnh của startup Việt?

- Qua tiếp xúc, tôi thấy nhiều startup ở Việt Nam rất thông minh, nhanh nhạy với thị trường. Họ dễ dàng nắm bắt xu thế mới. Với vốn ngoại ngữ tốt, họ cũng có nhiều lợi thế để kêu gọi đầu tư nước ngoài, tham gia nhiều sự kiện quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, có khả năng đưa sản phẩm vươn xa ra nước ngoài.

Startup hiện nay có khả năng thành công bởi các cơ quan quản lý ngày càng quan tâm. Với nhiều yếu tố về cả khách quan và chủ quan, tôi cho rằng không có lý do gì là không thể thắng lợi. Đây là thời điểm phù hợp nhất để khởi nghiệp ở Việt Nam.

- Startup nên làm gì để thu hút nhà đầu tư?

- Quan điểm của tôi là không nên kêu gọi vốn từ quá nhiều nguồn bởi khi ấy quyền lợi bị chia sẻ thì rất khó để tìm nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư thường không quan tâm nhiều đến việc bạn có bao nhiêu tiền mà chỉ quan tâm sản phẩm tạo ra bao nhiêu giá trị. Họ chỉ cần biết dự án có đủ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và phạm vi thị trường có đa dạng hay không. Nếu mục tiêu bạn nhắm tới càng rộng và xu hướng toàn cầu hóa càng sâu thì khả năng được đầu tư sẽ cao hơn. Vì vậy, cách tốt nhất để thu hút chính là có một sản phẩm tốt và nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường.

Bạn nên kêu gọi trực tiếp những nhà đầu tư trong nước trước khi tìm đến nước ngoài thì khả năng được tiếp nhận sẽ dễ hơn.

Khi thông qua công ty hay người trung gian thông dịch có nghĩa bạn sẽ phải mạo hiểm hơn. Nếu bạn giỏi ngoại ngữ cũng chưa chắc thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài. Họ là những người có rất nhiều kinh nghiệm về thị trường, sẽ không dễ dàng bỏ tiền nếu đó không phải là dự án thật sự lớn và mang tầm quốc tế.

Người khổng lồ luôn muốn sở hữu miếng bánh lớn. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ hoặc trong nước ít nhất cũng có thể hiểu và đồng cảm với bạn hơn để quyết định cho bạn một cơ hội, vì có cùng hệ văn hóa, suy nghĩ và giá trị.

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ