Hoàn thành việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi QCVN 9:2012
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa kết thúc đợt lấy ý kiến dự thảo sửa đổi QCVN 9:2012/BKHCN Tương thích điện từ (EMC) đối với một số thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.
Ảnh minh họa từ Livestrong.com
Trước đó, theo công văn số 3426/BKHCN-TĐC, dự thảo sửa đổi QCVN 9:2012 đã được công bố rộng rãi để thu thập những ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân.
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN Tương thích điện từ (EMC) đối với một số thiết bị điện, điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.
QCVN này đã góp phần thực hiện hiệu quả quản lý chất lượng và tương thích điện từ đối với một số thiết bị điện, điện tử gia dụng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật và Luật Tần số Vô tuyến điện.
Theo đó, tất cả các sản phẩm kể trên sau khi được sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài về Việt Nam đều phải được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá chứng nhận xem có phù hợp với quy chuẩn về tương thích điện từ hay không.
Nếu phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật quy định trong quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN thì thiết bị điện và điện tử đó sẽ được gắn dấu hợp quy CR, được đưa ra lưu thông trên thị trường. Ngược lại, nếu các thiết bị điện và điện tử này có giới hạn phát xạ nhiễu điện từ (nhiễu dẫn và nhiễu bức xạ) vượt ngưỡng cho phép ảnh hưởng đến các thiết bị khác, gián tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng thì sẽ không được đưa ra lưu thông trên thị trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và tình hình thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung QCVN trên. Đến ngày 30/11 vừa qua, đợt lấy ý kiến dự thảo QCVN 9:2012 đã chính thức kết thúc.
Theo chuyên gia về điện từ, hiện có nhiều thiết bị điện - điện tử được sử dụng, dẫn đến nguy cơ hoạt động sai do nhiễu điện từ tăng lên.Tại nhiều nước trên thế giới, việc đưa ra quy chuẩn tương thích điện từ (EMC) vào quản lý đối với các thiết bị điện - điện tử là yêu cầu bắt buộc.
Việc làm này nhằm kiểm soát, loại trừ hoặc hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra gây mất an toàn cho hạ tầng cơ sở (mạng thông tin, viễn thông, điều khiển, mạng điện...), cũng như bảo vệ môi trường tài nguyên (dải tần số vô tuyến), đồng thời nhằm bảo đảm sự hoạt động ổn định của các thiết bị, phòng tránh các sự cố gây ra do tương tác, can nhiễu quá mức khiến các thiết bị hoạt động sai lệch, không đúng tính năng hoặc nghiêm trọng hơn, làm tê liệt hoặc hư hỏng.
|