SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tin vui xuất khẩu rau quả cuối năm: Lô chanh leo đầu tiên đi EU

[19/12/2017 16:58]

Ngày 19/12, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Sơn La sẽ tổ chức lễ khởi công NM chế biến chanh leo, rau củ quả XK do Tập đoàn Nafood đầu tư, đồng thời chính thức công bố lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam XK sang thị trường EU.

Đây là một tin vui trong những ngày cuối năm 2017, hòa chung với thắng lợi và bứt phá mạnh mẽ của XK ngành hàng rau quả đã vượt mốc kim ngạch 3 tỉ USD trong năm nay.

Trồng chanh leo tại Mộc Châu (Sơn La)

Nối tiếp đà tăng trưởng của những năm gần đây, 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản XK, đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9% và 2,6%. Các thị trường có giá trị XK hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (56,9%), và Trung Quốc (52,7%)...

Đến cuối năm 2017, đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được XK sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...

Cùng với các mặt hàng cây ăn quả chủ lực, XK tươi như thanh long, xoài, nhãn, vải..., hàng loạt các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đã và đang có mặt trên thị trường quốc tế. Trong đó, chanh leo chế biến đang nổi lên là một đối tượng cây trồng có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh miền núi. Việc Tập đoàn Nafood đầu tư xây dựng NM chế biến chanh leo và các sản phẩm rau củ quả tại một tỉnh miền núi như Sơn La đã lần đầu tiên đánh dấu sự vươn lên của mặt hàng rau quả nói chung, trong đó có chanh leo tại các tỉnh vốn còn nhiều dư địa cho mặt hàng rau quả như Trung du MNPB nước ta.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giàu chất chống ô xy hóa, giàu vitamin và chất xơ, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chanh leo ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến đều rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hằng năm, thế giới SX khoảng 1,4 triệu tấn chanh leo tươi. Các nước SX lớn là Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia.

Ở Việt Nam, chanh leo đã được du nhập từ những năm 90, thích nghi tốt và dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đến 2005 - 2008, có khoảng 500ha được trồng thương mại ở Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk; 2009 - 2014 tăng lên đến 2.000 - 3.000ha. Đến nay, chanh leo đang được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La với diện tích khoảng 5.000ha, trong đó Gia Lai, Kon Tum: 2.500ha, Lâm Đồng: 1.000ha: Đăk Lăk, Đăk Nông, Nghệ An, Tây Bắc khoảng 1.500ha. Năng suất chanh leo trung bình vùng Gia Lai, Kon Tum là 50 - 60 tấn/ha; vùng Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông: 35 - 40 tấn/ha; Nghệ An, Sơn La: 25 - 30 tấn/ha...

Trên thị trường thế giới hiện nay, chanh leo là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao nhất. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Do đó, tiềm năng XK chanh leo của Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu chanh leo phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là thị trường rất rộng. Những đơn vị tiên phong và có đóng góp trong việc phát triển SX và XK chanh leo của Việt Nam hiện nay phải kể tới một số đơn vị tại phía Bắc như Cty Thực phẩm XK Đồng Giao (Ninh Bình), Tập đoàn Nafood (Nghệ An)...

Trong khuôn khổ lễ khởi công NM chế biến chanh leo ngày 19/12, BVC sẽ chính thức trao chứng chỉ GlobalGAP cho trang trại chanh leo Nafoods tại Mộc Châu (Sơn La). Tham dự sự kiện này sẽ có sự tham gia và chứng kiến của đại diện Đại sứ quán EU; Đại sứ quán Pháp, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đông đảo các DN đến từ Pháp và Thụy Sỹ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Ông đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Nafood thời gian qua và kỳ vọng Nafood sẽ tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả, mở rộng quy mô SX cũng như chế biến chanh leo, dần thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường quốc tế bằng sản phẩm chanh leo an toàn với chất lượng cao của Việt Nam...

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cảnh báo: Chanh leo là đối tượng rất dễ bị nhiễm các bệnh về virus, khi đã bị nhiễm thì mức độ lây lan và tàn phá rất nặng nề. Nguy hiểm nhất là nhóm virus làm bần vỏ quả, khiến vỏ quả cứng như gỗ, ruột bị khô, không còn nước, khi đã dính bệnh thì gần như thiệt hại 100%. Hiện nay virus này đã phân bố ở một số nơi, trong đó có Đài Loan.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phát hiện 4 loại virus gây hại trên chanh leo như gây hại lá, thân, quả. Mặc dù đây là các loại virus không thuộc đối tượng bắt buộc kiểm dịch quốc tế, tuy nhiên với sự nguy hiểm của nó, Cục BVTV đang rất thận trọng và kiểm tra nghiêm ngặt đối với giống chanh leo NK, đặc biệt là nguồn giống từ Đài Loan...

Hiện Cty Nafood cũng đã chủ động được SX giống khá hiệu quả, có cả chuyên gia Đài Loan sang trực tiếp hỗ trợ. Tuy nhiên để khẳng định được phẩm cấp giống có thực sự chất lượng và sạch bệnh hay không thì còn phải chờ thời gian dài nữa mới khẳng định được.

 

Theo nongnghiep.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ