Xuất khẩu mây tre đan: Chật vật nguồn nguyên liệu
Mặc dù so với nhiều mặt hàng tỷ USD khác, kim ngạch XK mây tre đan còn khá “khiêm tốn”, song nếu thực sự có chiến lược phát triển bài bản, đầu tư đúng mức, XK mây tre đan có nhiều khả năng bứt phá ngoạn mục trong tương lai.
Nguồn nguyên liệu thiếu ổn định đang là nguyên nhân khiến không ít làng nghề mây tre đan gặp khó
Chiếm trên 3% thị phần thế giới
Việt Nam có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Đến nay, các sản phẩm mây tre đan đã XK tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch XK trung bình đạt trên 200 triệu USD/năm, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch XK hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy: Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11, tổng giá trị XK nhóm hàng mây, tre, cói đạt trên 230,16 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, XK mây, tre, cói sang các thị trường XK chính của nhóm hàng này là Hoa Kỳ, Nhật Bản,... ghi nhận sự tăng trưởng khả quan.
Mặc dù đã có sự gia tăng song điểm đáng lưu ý trong XK mây tre đan là Việt Nam hiện đang chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường thế giới. Cụ thể, theo thống kê của Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước): Thị phần mây tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới mới đạt khoảng 3,37%. Trong đó, thị trường chủ đạo NK mây tre lá của Việt Nam là Hoa Kỳ, chiếm đến 20% và Nhật Bản chiếm 16% tổng giá trị XK.
Một số chuyên gia đánh giá, cơ hội phát triển cho ngành hàng mây tre đan của Việt Nam còn khá rộng mở. Khả năng nâng con số 3,37% thị phần thế giới lên khoảng 8-10% trong tương lai hoàn toàn khả thi. Cùng với đó, kim ngạch XK của ngành này có thể đạt tới 1 tỷ USD chứ không chỉ mãi “đì đẹt” vài trăm triệu USD mỗi năm như hiện tại. Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Hà Nội phân tích rõ hơn: Một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Australia… đang có xu hướng NK nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Cụ thể, những năm gần đây, Trung Quốc và Tây Ban Nha đã gia tăng NK các mặt hàng mây tre đan Việt Nam với mức tăng lần lượt là 40%/năm và 13,2%/năm.
Cần chiến lược phát triển rõ ràng
Mặc dù dư địa thị trường còn rộng mở, song tại sao ngành mây tre đan lại vẫn chưa thể phát triển bứt phá? Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, mấu chốt là bởi Việt Nam đang thiếu chiến lược phát triển bền vững cho các ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung, nhất là mặt hàng mây, tre. Trên thực tế, nhiều chính sách phát triển các mặt hàng mây, tre, nứa, lá đề ra lại có phần thiếu thực tế, không sát với sản xuất. Bên cạnh đó, do phát triển tự phát, phân tán, mẫu mã đơn điệu, công nghệ lạc hậu, nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam không thể cạnh tranh với thị trường quốc tế. Ngoài ra, tình trạng thiếu vốn, thị trường bấp bênh, nguồn nguyện liệu không ổn định… đẩy không ít làng nghề rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng.
Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Xuân Thủy cho biết: Về mặt trực tiếp, hiện nay, thiếu nguồn cung chính là một trong những yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển của ngành mây tre đan. Nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần NK từ nước ngoài. “Phản hồi từ các DN sản xuất mây tre đan Hà Nội cho thấy, nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu. Điều này phần nào tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là khi các DN triển khai các đơn hàng lớn. Nhiều DN, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng XK có giá trị lớn”, ông Thủy nói.
Để thúc đẩy ngành XK mây tre đan phát triển mạnh mẽ, khai thác tốt hơn dư địa thị trường, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng cho ngành này. Trên cơ sở đó, các làng nghề, người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra các giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm… Về phía DN, tự xây dựng chiến lược mở rộng thị trường, kiếm tìm thị trường mới thay các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản.. được xem là nhiệm vụ quan trọng. Cùng với đó, các DN cũng phải chủ động tìm hiểu từng thị trường kỹ hơn để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đặt sự phát triển của ngành mây tre đan trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới như hiện nay, không ít quan điểm cho rằng, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan sẽ tăng lên. Khi đó, ngành hàng mây tre đan còn phải đặc biệt lưu tâm tới nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật chất lượng mà các nước dựng lên…