Xuất khẩu da giày: Sức bật từ các cơ hội mới
Trên nền tảng kết quả tăng trưởng 2 con số năm 2017, ngành da giày được nhận định sẽ có sức bật tốt trong năm 2018 do cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực đến với ngành khá gần, doanh nghiệp cũng rất nỗ lực đầu tư cải thiện năng lực sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận cơ hội mới.
Doanh nghiệp đầu tư lớn cho hệ thống phân phối và khâu thiết kế
Tăng trưởng 2 con số
Năm 2017, ngành da giày về đích vượt kỳ vọng với 17 tỷ USD giá trị xuất khẩu (XK), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trái với dự báo và tình trạng ảm đạm của năm trước, ngay từ những tháng đầu năm lượng đơn hàng về khá nhiều, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo đó cũng sôi động.
Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của ngành, chiếm khoảng 34% trong tổng kim ngạch. Ví dụ như Nike- thương hiệu giày nổi tiếng thế giới của Mỹ tiếp tục duy trì lượng đơn hàng ổn định tại 70 nhà máy ở Việt Nam là động lực chính duy trì sức tăng trưởng XK của giày dép Việt sang thị trường này.
Tiếp đến là thị trường EU, so với năm 2016, XK sang thị trường này năm 2017 sôi động hơn rất nhiều. Lượng giày dép Việt vào EU tăng mạnh, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch XK và chiếm khoảng 11% thị phần tại EU.
“Sau khi sự kiện Brexit bớt nóng, các nhà nhập khẩu Anh cũng đã có thời gian đánh giá tác động và quay lại đặt hàng. Điều này rất quan trọng bởi Anh là một trong những thị trường lớn của giày dép Việt trong khối EU” - Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho hay.
Ngoài hai thị trường trên, XK sang các thị trường lớn khác của ngành như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn giữ được sức tăng trưởng ổn định.
Cùng với hoạt động XK, sự cải thiện đáng kể trong phát triển thị trường nội địa đã đóng góp vào bức tranh sáng của ngành da giày năm 2017. Dựa trên định hướng rõ ràng về phân khúc và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp đã đầu tư thích đáng cho hệ thống phân phối, thiết kế mẫu mã và chất lượng sản phẩm.
Để tạo được lòng tin với người tiêu dùng, Công ty TNHH May Minh Tiến đã chú trọng và thực hiện tốt, lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng, quản lý chuỗi sản xuất, phân phối một cách nhịp nhàng. Hay như Công ty TNHH Giày Thanh Thủy một trong những doanh nghiệp mới quay về phục vụ thị trường nội địa sau một thời gian ưu tiên cho xuất khẩu, đã “lấy ngắn nuôi dài” dùng lợi nhuận thu được từ xuất khẩu duy trì hệ thống phân phối.
Nâng chất hàng xuất khẩu
Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành da giày trong năm 2018, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi XK vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày XK vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%. Quy tắc xuất xứ (QTXX) áp dụng như GSP nên khá thuận lợi. “Chắc chắn dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều. Vấn đề chỉ còn là DN trong nước sẽ đón nhận cơ hội từ hiệp định này ra sao” - bà Xuân nói.
Cùng đó, Hiệp hội các Nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan được kỳ vọng. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội thu hút đơn hàng cho ngành da giày. Đặc biệt, khi các nhãn hàng lớn đến Việt Nam cũng kéo theo dòng luân chuyển của vốn và công nghệ. Sự biến đổi này vừa là cơ hội cũng là thách thức buộc doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư tương ứng nhằm đủ khả năng tiếp nhận được đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng. Đồng thời cũng là một cơ hội tốt cho ngành da giày biến đổi cả về chất lượng.
Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp trong ngành đã lựa chọn những thị trường ngách có quy mô nhỏ nhưng mức thu nhập của người dân tốt và ưa chuộng những sản phẩm đặc thù riêng như: Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. “Đây cũng là xu hướng phát triển dài hơi của ngành da giày trong 15-20 năm nữa” - đại diện Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam dự báo.
Tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày đã được cải thiện đáng kể, một số sản phẩm như giày vải, giày thể thao đã chủ động được đến 80-90% nguyên phụ liệu. Đây là điều kiện tốt cho doanh nghiệp trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan.
|
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)