Ý tưởng "điên rồ" có thể trở thành những dự án khởi nghiệp sáng tạo
Nhiều bạn trẻ thường có tâm lý sợ những ý tưởng điên rồ vì nghĩ nó phi lý và khó làm. Tâm lý sợ hãi sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và không cho phép họ nghĩ đến những điều đột phá.
Hai nhóm bạn trẻ đối thoại những ý tưởng về công dụng của cục xà phòng. Ảnh: Hà Thế An.
Thông điệp đó được các bạn trẻ thích sự sáng tạo chia sẻ tại sự kiện “Cuộc chiến săn lùng ý tưởng” do Viện GEM Institute phối hợp với Saigon Innovation Hub tổ chức.
Những trò chơi kích hoạt sự sáng tạo
Thông điệp kích hoạt sự sáng tạo bằng những trò chơi dường như lan tỏa đến các bạn trẻ đến mức, vì tò mò về nó mà có những bạn vì sợ muộn giờ mà quên cả ăn cơm. Lê Tuyết Ngân (28 tuổi) là một trong số đó.
Ngân chia sẻ, bạn đang cùng các đồng sự làm một dự án khởi nghiệp về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, Ngân đang “bí” về các ý tưởng marketing để người dân hiểu và tiếp cận được với các sản phẩm công nghệ của dự án.
“Những ngày cuối tuần, tôi luôn dành thời gian đi các sự kiện về các hoạt động kết nối. Sự kiện này có thể giúp tôi có những ý tưởng về marketing cho dự án của mình. Buổi sáng tôi có một sự kiện về marketing và kết thúc hơi muộn. Tôi chạy xe thẳng tới đây luôn vì không muốn bỏ lỡ sự kiện này” - Ngân kể.
Quả đúng như vậy. Những trò chơi kích hoạt ý tưởng sáng tạo khiến các bạn trẻ tham dự phải động não. Anh Trương Tùng, chuyên gia sáng tạo ra “đề bài” là tìm ra tất cả các công dụng của cục xà bông.
Đại diện của hai nhóm tham gia trò chơi phải “đối thoại” qua lại để tìm ra các công dụng của cục xà bông. Đội nào hết ý tưởng trước sẽ bị xử thua.
Các đội thi đã trả lời công dụng của cục xà bông lên đến hàng chục kết quả. Sau cùng, xuất hiện những ý tưởng cực kỳ điên rồ như dùng để: ăn thử, lăn nách, thuốc diệt chuột... Thậm chí có bạn còn sáng tạo ra cách sử dụng nước xà bông để làm sân trượt patin.
Anh Trương Tùng phân tích, nhiều người theo lối nghĩ thông thường sẽ tìm ra những công dụng phổ biến của xà bông. Đó chưa phải là những ý tưởng sáng tạo vì ai cũng có khả năng nghĩ ra. Khi những công dụng thông thường được sử dụng gần hết, não con người sẽ kích hoạt những ý tưởng điên rồ, khó tin. Đó mới chính là những ý tưởng sáng tạo.
“Tôi cho rằng, những ý tưởng điên rồ nhưng nếu chúng ta quyết liệt và đam mê thì những ý tưởng đó rất có thể là những dự án khởi nghiệp thành công” - Tùng khẳng định.
Một nhóm bạn trẻ nêu ra vấn đề quên bật đèn xi nhan khi tham gia giao thông của một bộ phân không nhỏ người đi xe, nhằm tìm ý tưởng giải quyết vấn đề trên. Ảnh: Hà Thế An.
Không ý tưởng táo bạo thì không có khởi nghiệp sáng tạo
Chị Trần Thanh Ly, CEO GEM Institute cũng cho rằng, sáng tạo là những sự khác biệt từ những cái cũ. Cục xà bông là một chủ thể cũ và ai cũng biết đến nó, nhưng nếu đưa ý tưởng sáng tạo vào thì cục xà bông có vô vàn công dụng. Những công dụng điên rồ nhất đó chính là sự khác biệt mà con người có thể khai thác để biến ý tưởng thành hiện thực.
“Muốn đưa những ý tưởng trở thành sản phẩm, con người cần phải có sự trải nghiệm và vốn sống nhất định. Mỗi sự hiểu biết đó được xem như một nốt chấm tròn. Khi con người có nhiều trải nghiệm, cũng như sự hiểu biết, thì những chấm tròn này càng nhiều.
Những chấm tròn này cần sự liên kết để thực hiện ý tưởng đó. Chính vì thế, ý tưởng chỉ có giá trị khi con người nhận thức được ý tưởng đó giải quyết được vấn đề gì, đáp ứng nhu cầu thị trường tới đâu, giá thành thế nào là hợp lý…”- chị Ly chia sẻ.
Chị Ly cho biết thêm, nhiều bạn trẻ thường có tâm lý sợ những ý tưởng điên rồ vì nghĩ nó phi lý và khó làm. Khi đó, con người sẽ bị triệt tiêu sự sáng tạo và không cho phép mình nghĩ đến những điều đột phá.
Bạn Đào Quốc Đạt, cựu sinh viên trường ĐH kinh tế TP.HCM, chia sẻ trong phần thảo luận về giải pháp chống vượt đèn đỏ của người đi xe, có những ý tưởng mà bạn cho rằng rất khó thực hiện.
“Một bạn nói rằng, khi dừng đèn đỏ, ai cũng phải dừng xe trước vạch kẻ đường. Có thể tạo ra một giải pháp công nghệ nào đó mà khi bánh xe chạm vạch kẻ này thì xe sẽ tự hãm lại”- Đạt kể.
Tuy nhiên, anh Trương Tùng lại cho rằng đây là một giải pháp chưa ai nghĩ tới. Biết đâu trong thời đại mà con người đã ứng dụng rất nhiều công nghệ mới trong Cách mạng 4.0, vấn đề này có thể được giải quyết, để có thể giảm tai nạn giao thông do vượt đèn đỏ.
“Ý tưởng táo bạo sẽ không bao giờ có khi chúng ta không dám nghĩ tới đó. Nếu chúng ta không dám nghĩ thì làm sao chúng ta có thể thực hiện những ý tưởng đó”- Anh Tùng kết luận.