SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hà Nội 'tuyên chiến' chống lại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

[15/01/2018 09:55]

Đồng hành cùng với người dân trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, Hà Nội sẽ tăng cường duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc để chống lại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 200 - 500 vụ ngộ độc thực phẩm. Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc. Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm này có giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên số trường hợp tử vong lại tăng cao gấp đôi. Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân do thực phẩm không rõ nguồn gốc có chứa các chất độc hại….

Cuộc chiến với thực phẩm không rõ nguồn gốc nói chung và nông sản nói riêng là một cuộc chiến khốc liệt của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan quản lý, đặc biệt khi trên thị trường đang tràn ngập các loại sản phẩm, hàng hóa với nhiều nguồn gốc và chất lượng khác nhau.

Đồng hành cùng với người dân trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe, niềm tin cho người tiêu dùng. Theo đó, trong năm 2018, chỉ bằng việc quét mã QR trên smartphone hoặc máy đọc mã vạch, người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm, từ đó tránh được việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng.

Việc phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm cũng giúp người tiêu dùng được tham gia, phát huy quyền giám sát, kiểm tra của mình đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước thông qua việc sử dụng, chia sẻ và được cung cấp thông tin về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Đáng chú ý, cùng với việc thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành, Thành phố cũng sẽ thí điểm ứng dụng quy trình mã xác thực chống hàng giả; đồng thời hỗ trợ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như rau, thịt, thủy sản.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ xây dựng quy định và thiết lập mã số định danh với các cơ sở trong chuỗi nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, thử nghiệm hệ thống theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm cho phép truy cập trực tuyến trên Internet thông qua mã QR của sản phẩm bằng điện thoại thông minh; hỗ trợ thiết bị truy xuất công cộng tại các điểm kinh doanh nông sản thực phẩm; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo lộ trình, đến năm 2019, mở rộng ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc ở các sản phẩm nông sản thực phẩm khác, tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, chợ đầu mối.

Năm 2020, phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% - 50%.

Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quét mã vạch trên điện thoại di động (viết tắt là Scan & Check) đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chức năng, của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là của hơn 25 ngàn doanh nghiệp thành viên GS1 Việt Nam về xác thực nguồn gốc thông tin chủ sở hữu và hàng hóa sử dụng mã số mã vạch.

Scan & Check được sử dụng để quét kiểm tra tính hợp pháp của mã số mã vạch cũng như thông tin chính hãng về sản phẩm trước khi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng!

Tổng cục TCĐLCL thông báo đường dẫn cài đặt Scan & Check trên Android (bản cho iPhone sẽ được thông báo tiếp khi đăng kí xong với Apple) như sau https://play.google.com/store/apps/details?id=com.gs1vn.scanandcheck&hl=vi.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ