SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

4 kinh nghiệm 'xuất ngoại' cho startup Việt

[17/01/2018 10:03]

Startup Việt có thể tiến ra quốc tế nếu nghiên cứu thị trường, xây dựng lòng tin, hợp tác phát triển doanh số, tập trung vào sản phẩm.

Startup Việt gặp nhiều khó khăn trong chinh phục thị trường quốc tế nhưng không phải là không có cơ hội nếu các bên nhập cuộc trong điều kiện hiểu biết và thực hành đúng những "luật chơi" quốc tế. Ảnh: TechinAsia

Mở rộng thị trường kinh doanh ra nước ngoài luôn là bài toán khó với các startup Việt. CEO Hùng Đinh của startup DesignBold cho biết: "Ở Việt Nam, nhiều doanh nhân khởi nghiệp đang phải hoạt động trong môi trường pháp lý khó khăn, rất hạn chế trong việc nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia, nhà cố vấn khởi nghiệp quốc tế".

Trong một bài viết trên TechinAsia, CEO Hùng Đinh đã chia sẻ những kinh nghiệm mở rộng kinh doanh ra các thị trường khác dành cho các startup Việt Nam từ chính trải nghiệm của bản thân trong việc xây dựng và phát triển startup DesignBold.

Sau một năm chính thức ra mắt nền tảng thiết kế trực tuyến, công ty này có một phần năm khách hàng sử dụng đến từ Mỹ. Sau Việt Nam, Mỹ và châu Âu trở thành những thị trường quốc tế đầu tiên của sản phẩm. Cũng như hầu hết các startup Việt, công ty khởi nghiệp của CEO Hùng Đinh vào thời điểm đó không có cố vấn khởi nghiệp nước ngoài nào. Hành trình tiến ra quốc tế là một chuỗi những thử nghiệm, cố gắng và sai lầm mà các startup phải vừa làm vừa sai để tự rút ra bài học.

Luôn làm nghiên cứu thị trường

Các doanh nhân khởi nghiệp phải luôn ghi nhớ nguyên tắc "Hãy vứt các giả định của bản thân ra ngoài cửa". Nhu cầu, thói quen, niềm tin của khách hàng đến từ các thị trường là khác nhau. Chúng ta không thể áp đặt, ứng dụng những bài học của thị trường này lên thị trường kia mà phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu cẩn thận từng thị trường.

Cụ thể, đội ngũ nhân viên của DesignBold có ý tưởng và đáp ứng khá tốt các nhu cầu của khách hàng Việt Nam về mong muốn của họ vào sản phẩm. Nhưng khi có thêm các khách hàng quốc tế, ngay lập tức nhóm đã phải bỏ các giả định về thị trường người Việt áp lên thị trường nước ngoài.

Startup nhận ra rằng người dùng quốc tế thường ít mặn mà với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hay tìm hỗ trợ trực tiếp để mặc cả trước khi mua hàng hơn là người Việt Nam. Trong khi khách nội địa muốn để ai đó thuyết phục họ thì người dùng nước ngoài muốn tự chất lượng sản phẩm lên tiếng trước khi quyết định.

Nghiêm túc nghiên cứu thị trường, ra các quyết định dựa trên dữ liệu và không áp đặt cùng một trải nghiệm vào các nhóm đối tượng khách hàng là một trong những nguyên tắc quan trọng để tiến ra biển lớn dành cho các startup Việt. Ảnh: TechinAsia

Để thu hút người dùng quốc tế, nhóm đã phải đầu tư hơn cho các trang blog, "đánh bóng mặt tiền" trang quảng cáo, trưng bày sản phẩm và đẩy mạnh tiếp thị qua email. Chiến lược tiếp thị trong và ngoài nước đã giúp công ty tiếp cận được với một lượng khách hàng tiềm năng trong nền văn hóa mua hàng không mặc cả.

Ngoài ra, thu thập và lắng nghe phản hồi từ người dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự thay đổi, điều chỉnh các chiến lược tiếp thị. Nhóm hỗ trợ, đội phát triển sản phẩm và bộ phận phát triển kinh doanh trong công ty đã làm việc ăn khớp với nhau, chia sẻ thông tin phản hồi của người dùng để các bên kịp thời thay đổi, phối hợp nhịp nhàng. Việc này giữ cho việc tiếp thị được trôi chảy, nhanh chóng và đáp ứng kịp lúc nhu cầu của người dùng cá nhân.

Ví dụ, sau khi nhận được yêu cầu từ hàng chục khách quốc tế, công ty đã quyết định khởi chạy một chương trình liên kết để thưởng cho những người giới thiệu khách mới cùng tham gia sử dụng sản phẩm. Ba ngày sau, có hơn 100 chi nhánh đăng ký trải nghiệm nền tảng từ khắp nơi trên thế giới. 

Xây dựng lòng tin để phá vỡ định kiến

Hùng Đinh chia sẻ, danh xưng "Canva Việt Nam" (Canva là một startup Australia nổi tiếng) chẳng dẫn cả nhóm đi được đến đâu trên thị trường quốc tế nhưng việc tập trung xây dựng sản phẩm tốt hơn đối thủ cạnh tranh thì có. Bằng việc chuyển sự chú ý từ một thứ hữu danh vô thực sang sản phẩm thực tế, công ty có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.

Khi những người dùng mới chuyển sang sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà nhóm cung cấp, họ cũng đồng thời trân trọng những giá trị, tính năng mà startup muốn truyền tải. Xây dựng một sản phẩm tốt hơn là chiến dịch marketing quốc tế tốt nhất công ty từng làm.

Xây dựng niềm tin lâu dài với người dùng quốc tế thông qua việc hỗ trợ chăm sóc khách hàng nhanh chóng là quan trọng. Với phong trào chống lại toàn cầu hóa đang phát triển mạnh ở các nước phương Tây thì những startup Việt Nam càng cần phải làm việc chăm chỉ gấp nhiêu lần để có được sự tin tưởng. Để làm được điều này, công ty tập trung vào các nội dung tiếng Anh chất lượng cao.

Công ty đã cải tiến tất cả các chiến dịch tiếp thị để đảm bảo nội dung tiếng Anh phải thật hoàn hảo. Việc  cải thiện nội dung giúp giảm đáng kể số lượng thư khiếu nại từ khách hàng. 

Thúc đẩy tăng trường quốc tế

Trước khi bắt tay chinh phục thị trường quốc tế, mỗi startup cần suy nghĩ đến việc sẽ sử dụng nền tảng quốc tế nào để truyền tin, tiếp thị sản phẩm, giới thiệu dịch vụ cho công chúng. DesignBold nhận thấy có một cách khá thành công là thông qua những trang thương mại điện tử tập trung vào các "deal" sử dụng dịch vụ công nghệ dành cho một nhóm đối tượng đặc thù. 

Theo CEO Hùng Đinh, bán hàng trên các trang thương mại điện tử chuyên về các "deal" sử dụng dịch vụ công nghệ cho nhóm đối tượng đặc thù sẽ giúp startup tiếp cận nhanh hơn với người dùng quốc tế. Ảnh: Internet

Startup DesignBold đạt doanh thu hơn 130.000 USD trong hai tuần thông qua trang web AppSumo và hơn 30.000 USD trong một tuần trên nền tảng MightyDeals. Bên cạnh tiền, công ty đã thu được một điều còn giá trị hơn rất nhiều trong quan hệ đối tác này đó là hàng nghìn người dùng quốc tế mới.

Tập trung vào sản phẩm 

Các chiến dịch marketing là quan trọng, đặc biệt là khi startup nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh ra các thị trường mới. Nhưng đừng quên rằng dù quảng cáo ở nội địa hay quốc tế, các bạn vẫn cần thứ gì đó để bán. Sản phẩm sẽ là thứ đầu tiên "nổi" trên một thị trường mới ngay cả khi thương hiệu của công ty còn chưa được biết tới. Vì vậy, đừng bỏ quên sản phẩm của bạn vì bất cứ lí do gì. 

Tập trung vào sản phẩm, biến sản phẩm thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là một trong những bài học quan trọng trong phát triển thành công startup DesignBold của CEO Hùng Đinh. Ảnh: Techfest

Khi công ty phát triển, hãy vẫn đặt sản phẩm làm trung tâm. Sử dụng phản hồi từ các thị trường mới để thích nghi và cải thiện không chỉ các kỹ thuật marketing mà còn cả sản phẩm của các startup. Nếu các doanh nhân khởi nghiệp đều nắm vững điều này, nhiều giá trị sẽ được tăng thêm cho các mô hình startup bất kể bạn có tiến ra thế giới hay không. 

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ