SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điều gì đang "cản chân" các làng nghề gỗ?

[23/01/2018 16:18]

Sử dụng nguồn lớn gỗ nhập khẩu để sản xuất, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, song nguồn nguyên liệu thiếu minh bạch đã và đang là cản trở không nhỏ của các làng nghề gỗ trong quá trình hội nhập.

Phần lớn các hộ tại làng nghề gỗ chưa đăng ký kinh doanh. Ảnh: Internet

Rủi ro cao về pháp lý

Theo Tổ chức Forest Trends, Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động, bao gồm các lao động trực tiếp từ các hộ và lao động thuê từ bên ngoài. Tại vùng đồng bằng sông Hồng có 5 làng nghề gỗ lớn là Đồng Kỵ, La Xuyên, Vạn Điểm, Hữu Bằng và Liên Hà.

Các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao, phục vụ nhóm khách hàng khá giả tại thị trường nội địa (La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ) và xuất khẩu (Đồng Kỵ).

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện về môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn to lớn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt.

Điển hình là việc giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.

Phát biểu tại buổi hội thảo "Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và lựa chọn về chính sách để phát triển bền vững" do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Forest Trends tổ chức sáng ngày 19/1, tại Hà Nội, ông Đặng Việt Quang, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends đánh giá: Hạn chế về hiểu biết và mối quan tâm của hộ tại các làng nghề hiện nay một phần là do các cơ chế thực thi luật pháp cấp địa phương, đặc biệt là cấp xã và huyện còn thiếu và yếu.

Đến nay, các tương tác giữa các hộ và các cơ quan quản lý rất hạn chế. Các tương tác chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và các doanh nghiệp, là các chủ thể có quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều so với quy mô của các hộ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ chưa nhận được mối quan tâm của các cơ quan quản lý, bởi quy mô nhỏ lẻ và không có vai trò trong tạo nguồn thu cho ngân sách. 

Cần hỗ trợ chuyển đổi làng nghề

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Chương trình hành động Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (VPA/FLEGT) được Chính phủ Việt Nam và EU cơ bản thống nhất vào tháng 5/2017 có mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Hiệp định đưa ra các quy định cụ thể về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ, bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất ra bởi các hộ thuộc làng nghề.

Xung quanh câu chuyện phát triển của các làng nghề gỗ, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Xu thế chung của toàn thế giới là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, quan điểm là luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, hộ gia đình và những người sản xuất lâm nghiệp lên hàng đầu khi thực hiện các cam kết với EU. Theo khảo sát của Forest Trends tại 5 làng nghề gỗ nêu trên, làng nghề gỗ hiện nay có tới 74,5% hộ chưa đăng ký kinh doanh. Theo Hiệp định VAP/FLEGT, sau này, quá trình kiểm soát nguồn gốc gố sẽ hướng vào kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển, bán sản phẩm…

Ở hình thức doanh nghiệp, nếu tuân thủ đúng pháp luật, quá trình làm các thủ tục xin cấp phép FLEGT khá đơn giản, còn doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Với các hộ gia đình ở làng nghề, chưa hình thành doanh nghiệp, việc kiểm soát cũng sẽ phải gắt gao, làm sao để có nguồn gốc gỗ hợp pháp. Làm được như vậy, sản phẩm mới có thể được tiêu thụ trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

“Thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, tập huấn để các hộ gia đình trong làng nghề có thể tiếp cận được, làm hồ sơ xin cấp giấy phép FLEGT suôn sẻ. Dự kiến, phải đến năm 2020-2021 mới áp dụng triển khai cấp phép FLEGT, song cần chuẩn bị cho tương lai”, ông Hà nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện này, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu quan điểm: Để gia tăng sức cạnh tranh cho làng nghề gỗ trong hội nhập, đặc biệt là đáp ứng tốt vấn đề nguồn gốc gỗ hợp pháp, cần các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các hộ tự nguyện tham gia chuyển đổi sang hình thức hoạt động chính thức (có đăng ký kinh doanh-PV). Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự giúp đỡ từ các tổ chức phát triển, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nỗ lực của chính bản thân các hộ trong làng nghề...

Theo baohaiquan.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ