Nâng cao chất lượng thực phẩm nhờ tăng cường phát triển chuỗi liên kết
Nâng cao chất lượng thực phẩm nhờ tăng cường phát triển chuỗi liên kết
Mô hình liên kết chuỗi tạo ra các sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Báo Thanh Niên
Nhiều lợi ích từ mô hình liên kết chuỗi
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, những năm qua, ngành chăn nuôi của Thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc và gia cầm lớn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, dân số thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng trở thành thị trường tiêu thụ rất lớn thực phẩm của cả nước, nhất là nhu cầu về thực phẩm chất lượng.
Việc xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ bảo đảm quản lý triệt để được chất lượng sản phẩm là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Do vậy các hoạt động xây dựng chuỗi của Trung tâm được các hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhiệt tình hưởng ứng.
Bước đầu, đã cơ bản hoàn thiện được một số chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các tác nhân tham gia. Từ đó đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, đến nay đã có nhiều mô hình chuỗi mới được hình thành góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường Thủ đô.
Đến nay, đã phát triển ổn định 23 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện.
Trong đó, có 20/23 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, đã có 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể”. Bên cạnh đó, xây dựng thêm được trên 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi trên địa bàn Thành phố, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. Đến nay, hàng ngày các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm; 26 tấn thịt lợn; 1,5 tấn thịt bò; 282 nghìn quả trứng…
Việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp gia tăng giá trị sản phẩm (gia tăng giá trị sản phẩm từ 15%-20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi) và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu. Đồng thời giúp các tác nhân sản xuất nâng cao ý thức sản xuất bảo đảm an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi
Về định hướng tăng cường liên kết chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian tới, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi cho biết, để xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm thì cần xác định sản phẩm cần xây dựng chuỗi là những sản phẩm có đặc trưng riêng, có tiềm năng phát triển, ưu tiên sản phẩm của các vùng chăn nuôi tập trung, sản lượng lớn, các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có khả năng đầu tư lâu dài trong chăn nuôi, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi.
Mặt khác, các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng chuyển dần từ thói quen sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm minh, công bằng, minh bạch đối với các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ lưu thông để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi.
Thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm của địa phương tới người tiêu dùng tại các quận nội thành. Đặc biệt cần thực hiện triệt để quy trình quản lý chất lượng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, không ngừng nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời hạ giá thành sản phẩm.