Trước những thách thức từ quy định tại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng như mối lo đến từ việc nhiều thị trường lớn áp dụng các mức thuế chống bán phá giá, kiện tụng thương mại do nguồn hàng sai quy định…, ngày càng nhiều DN cố gắng vươn lên, chủ động đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Các DN đều đang nỗ lực để chủ động nguồn nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng các quy định khi giao thương. Ảnh: Trần Việt.
Áp lực gia tăng
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra mức áp thuế rất cao lên tới hàng trăm phần trăm, bao gồm cả thuế chống bán phá giá và thuế chống lẩn tránh thuế đối với 2 sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nguội, do nghi ngờ có nguồn gốc nguyên liệu từ thép cán nóng của Trung Quốc và không có tác động nhiều để ra sản phẩm cuối cùng. Nếu quyết định này được áp dụng, thép Việt Nam sẽ khó có cơ hội cạnh tranh tại thị trường NK thép lớn này.
Mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, kết luận của Hoa Kỳ lần này hoàn toàn không phù hợp với pháp luật quốc tế và chính pháp luật Mỹ, bởi một số DN Việt Nam là bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra đã đưa ra các bằng chứng cho thấy tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn (khoảng 30-50%) từ nguyên liệu thép cán nóng của Trung Quốc. Nhưng thời gian tới, các DN thép vẫn có nguy cơ đối mặt với nhiều vụ kiện tương tự khi lượng thép nguyên liệu NK từ Trung Quốc về Việt Nam không hề nhỏ. Bởi theo Hiệp hội này, tính đến cuối tháng 11/2017, thép NK các loại đạt hơn 18,2 triệu tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường NK chính, với lượng NK hơn 6,5 triệu tấn thép, giảm 33% về lượng nhưng chỉ giảm 5% về trị giá; tỷ trọng thép NK từ quốc gia này chiếm tới xấp xỉ 47% tổng lượng thép thành phẩm NK.
Thực tế là hiện nay, không chỉ ngành thép mà nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào việc NK nguyên phụ liệu. Theo các chuyên gia, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nếu các DN phải đáp ứng theo các quy tắc xuất xứ tại các FTA, nặng nề hơn là phải đối mặt với các vụ kiện thương mại như ngành thép đang đối mặt. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng trị giá XK của ngành dệt may (hàng dệt may thành phẩm, vải, xơ, sợi) đạt 29,63 tỷ USD; ngành da giày có kim ngạch XK đạt 14,65 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được giá trị này, ngành dệt may, da giày đã phải chi 11,37 tỷ USD NK vải các loại; chi thêm 5,42 tỷ USD NK nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy, tăng 7-8% so với năm 2016.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo các DN là do nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhiều khi không đạt chuẩn hoặc không đầy đủ giấy tờ hợp lệ; thậm chí còn do giá thành không phù hợp. Mặc dù những năm qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tuy nhiên, với sức phát triển của các ngành công nghiệp, các nhà máy này chưa đủ sức đáp ứng hoặc cần độ trễ để đáp ứng.
Chủ động từ doanh nghiệp
Trong các khuyến nghị về việc phát triển DN và cả nền kinh tế, các chuyên gia đều cho rằng, DN cần tìm cách chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn. Do đó, các DN đều đã lên phương án chủ động về nguồn nguyên phụ liệu, thậm chí là đầu tư nhà máy, liên kết sản xuất giữa các DN để tìm ra hướng đi phù hợp.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tác động tích cực tới XK da giày của Việt Nam do hầu hết các dòng thuế NK ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế NK giày dép vào thị trường EU sẽ được giảm về 0% và toàn bộ các dòng thuế giày dép cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, DN phải đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm da giày, hiểu rõ về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)… Vì thế, bà Xuân cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày được cải thiện đáng kể; một số sản phẩm giày vải, giày thể thao đã chủ động đến 80-90% nguyên phụ liệu.
Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, trước sức ép từ các vụ kiện thương mại, chống bán phá giá, các DN đã “mạnh tay” đầu tư hàng loạt dự án để bổ trợ cho việc phát triển sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2017 đã đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 – Nhà máy rút dây thép tại Hưng Yên… DN này dự kiến đến năm 2020 tổng công suất thép cuộn cán nóng lên đến xấp xỉ 8 triệu tấn, giúp các nhà sản xuất thép trong nước đủ nguyên liệu sử dụng. Ngoài ra, các nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh, Tôn Hoa Sen… cũng đang gấp rút đầu tư, tăng năng suất để đảm bảo cung cấp nguyên liệu thép cho DN.
Nhận thức được việc thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu trong nước, nhiều DN đã chủ động chuyển hướng sản xuất nhằm đón đầu nhu cầu của các DN. Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí, xây dựng và thương mại Hà Phong, tiềm lực của DN hiện giờ chưa đủ để đưa hàng đi XK, nhưng DN có thể sản xuất hàng đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, DN đã lựa chọn hình thức sản xuất sản phẩm phụ tùng, nguyên liệu cung cấp cho các DN chế xuất hàng XK. Bằng việc sản phẩm được các DN này chấp nhận thì Công ty sẽ lấy đó làm “điểm tựa”, học hỏi kinh nghiệm để có thể tự đưa hàng XK trong thời gian tới.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, các DN đã rất nỗ lực trong việc cung ứng, sản xuất nguyên phụ liệu để đảm bảo tăng giá trị gia tăng, góp vào tăng trưởng cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hơn nữa, việc đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu trong nước không phải là không làm được mà các DN hoàn toàn có thể làm được nếu có nguồn lực, động lực và sự chủ động; nhưng cùng với đó phải là chiến lược và định hướng quản lý từ các cơ quan chức năng.