Một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư số 27/2017/TT-BCT (Thông tư 27) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở lên được tự chứng nhận xuất xứ. Việc nới lỏng các quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn trong mở rộng xuất khẩu.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu đủ điều kiện cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được đánh giá là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính mang lại lợi ích lớn cho DN XK khi giảm thời gian xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa truyền thống, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ. Nhờ đó tạo thuận lợi cho kinh doanh và XK hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí giao dịch... Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng giúp DN nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan.
Tạo điều kiện cho DN, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành cho DN tham gia dự án tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi giao thương với các nước ASEAN. Bộ Công Thương cũng ban hành các thông tư hướng dẫn những quy định này. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay, DN tham gia chưa nhiều, một trong những nguyên nhân được DN phản ánh là việc yêu cầu phải có kim ngạch XK trên 10 triệu USD vào năm trước mới được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa gây khó khăn cho DN, đặc biệt với DN nông sản.
Nhằm mở ra cơ hội để các DN mở rộng XK sang thị trường ASEAN, tận dụng những lợi ích từ việc giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tháng 12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 27 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA. Với thông tư này, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN thời gian tới được đánh giá sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Cụ thể trước đây, chỉ những DN quy mô lớn mới có thể tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA, nhưng thông tư mới đã cho phép các DNNVV cũng được tham gia dự án. Bộ Công Thương cũng đã bỏ nội dung "kim ngạch XK đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD".
Với những điểm tạo thuận lợi cho DN, không ít ý kiến cho rằng, nếu không kiểm soát chặt sẽ dễ xảy ra tình trạng gian lận trong tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, thông tư này có những quy định chặt chẽ để kiểm soát việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA phải đáp ứng đủ các điều kiện: Là nhà sản xuất đồng thời là nhà XK hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, DN phải có cán bộ được đào tạo, tham gia thi sát hạch và được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định tại Thông tư 28 hoặc được Cục Xuất nhập khẩu chỉ định cấp.
Thông tư của Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định thương nhân được lựa chọn không được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với những lô hàng do cơ quan hải quan phân loại vào luồng vàng hoặc luồng đỏ khi khai báo XK. "Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các trường hợp gian lận" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 đơn vị là Vinamilk và Nestlé Việt Nam tham gia.
|
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)