SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Prateek Sharma cùng sản phẩm khởi nghiệp.

[21/02/2018 15:28]

Miếng lọc nhỏ gọn, sản xuất theo công nghệ nano làm sạch không khí trước khi người đeo hít vào, có thể gắn chặt lên lỗ mũi, giá bán 4.000 đồng.

Prateek Sharma cùng sản phẩm khởi nghiệp.

Một công ty Ấn Độ khởi động chiến dịch mang tên “Không khí trong lành” với sản phẩm là miếng lọc khí nano giúp lọc sạch khí bụi. Chiến dịch tạo hiệu ứng lan rộng, đặc biệt trước ngày thủ đô Delhi được dự báo bao phủ bởi lớp sương bụi độc hại vào tháng 12/2017. Trong ba ngày, công ty nhận hàng nghìn đơn đặt hàng từ bệnh viện, trường học và doanh nghiệp.

Thiết bị này có giá 10 rupi mỗi miếng (khoảng 4.000 đồng), là một miếng lọc khí nhỏ có thể gắn chặt lên lỗ mũi thay thế cho chiếc khẩu trang. Mỗi miếng có thể sử dụng 8 -12 tiếng đồng hồ.

Ý tưởng đến với chàng trai 9x Prateek Sharma khi anh chứng kiến mẹ mình mỗi ngày phải vật lộn với căn bệnh hen suyễn, Ấn Độ lại nằm trong nhóm những nước có không khí ô nhiễm nặng. Anh đã tự hứa sẽ sản xuất ra loại mặt nạ tốt nhất cho mẹ sử dụng, thế nhưng những chiếc khẩu trang hay mặt nạ này lại quá cồng kềnh và không thoải mái. Vào năm 2015, khi đang là sinh viên năm cuối Học viện Công nghệ thông tin Ấn Độ, Sharma đã nghĩ đến miếng lọc khí nhỏ gọn gắn ở lỗ mũi, không chỉ hiệu quả mà còn dễ sử dụng. Anh đã cùng hai người bạn học phát triển dự án.

Sharma cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi đang trong quá trình cải tiến và có khả năng lọc ra 95% loại bụi nguy hiểm nhất trong số các chất gây ô nhiễm”. Sản phẩm tích hợp hàng triệu lỗ chân lông trên một đơn vị diện tích vải. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các sợi nano bằng cách giảm 100 lần đường kính sợi vải thông thường để đạt được hiệu suất cao hơn khi lọc các chất gây ô nhiễm, vi khuẩn, bụi bám và dị ứng phấn hoa, đồng thời thu gọn kích thước sản phẩm để sử dụng thoải mái hơn.

Với sự giúp đỡ của các đồng sáng lập viên và giáo sư thuộc bộ phận công nghệ dệt tại trường, công ty đã phát triển mẫu thử đầu tiên vào năm 2016, sau đó sản xuất hàng loạt với mức giá rẻ nhờ sự hỗ trợ của vườn ươm dự án khởi nghiệp ở trường đại học và sự hỗ trợ vốn từ nhà đầu tư.

Đồng sáng lập Vyas chia sẻ: "Chúng tôi ứng dụng công nghệ cao khi sản xuất sau một thời gian nghiên cứu”. Miếng lọc có chứa chất xốp có chức năng lọc bề mặt và tự động làm sạch sau mỗi lần hít thở. Nó còn có khả năng phân huỷ sinh học sau khi không sử dụng nữa.

Nano Clean đã nhận hai bằng sáng chế cho sản phẩm và công nghệ của công ty. Năm 2018, đơn vị này dự kiến ​​sẽ mở rộng quy mô kinh doanh không chỉ ở trong Ấn Độ. Trên website của công ty đã có bán gói gồm 10 miếng lọc có giá 98,2 rupi (khoảng 40.000 đồng) với ba kích cỡ nhỏ, trung bình, lớn.

Prateek Sharma cùng sản phẩm khởi nghiệp.

Công ty nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ theo đề án của Cục Công nghệ Sinh học (DBT) và Bộ Khoa học và Công nghệ (DST). Thiết bị gần đây đã giành được Giải thưởng Quốc gia Khởi nghiệp năm 2017 của Ấn Độ, có trị giá hơn 500 triệu đồng, với công nghệ mới hứa hẹn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hô hấp và chống lại không khí ô nhiễm.

Nano Clean cũng là một trong số 50 công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới do Hàn Quốc bình chọn từ hơn 118 quốc gia, và là công ty Ấn Độ duy nhất được Hồng Kông lựa chọn nằm trong top 100 công ty khởi nghiệp trên thế giới. Hiện công ty có hai xưởng sản xuất, cơ sở thứ ba đang tiến hành với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc.

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ