SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu rau, quả - Lực đẩy từ thị trường khó tính

[14/03/2018 10:18]

Việc chinh phục các thị trường khó tính đang giúp mở ra cơ hội tăng cường kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm rau, quả của Việt Nam.

Xoài Cát Chu (Đồng Tháp) đã được xuất khẩu đến nhiều nước

Khẳng định vị thế 

Theo Bộ Công Thương, rau, quả tiếp tục là một trong những mặt hàng XK có tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng nông sản ngay từ đầu năm 2018. Cụ thể, tháng 2, dù là tháng có thời gian nghỉ Tết tương đối dài, kim ngạch XK sản phẩm này vẫn đạt 220 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch XK sản phẩm này đã đạt 604 triệu USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ. 

Đáng chú ý, cùng với các thị trường truyền thống, rau, quả Việt Nam đang được nhiều thị trường khó tính quan tâm. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau lô vú sữa đầu tiên được XK vào Hoa Kỳ tháng 12/2017, tính đến hết tháng 2/2018, đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được XK vào thị trường Hoa Kỳ với khối lượng khoảng 230 tấn. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục mở cửa cho trái xoài Việt Nam vào cuối năm 2017 và dự kiến, trong tháng 4/2018, lễ XK lô hàng đầu tiên sẽ được thực hiện, mở rộng cửa hơn cho trái cây Việt vào thị trường này. Cùng đó, trái nhãn tươi của nước ta có khả năng sẽ được cấp phép nhập khẩu (NK) vào Australia ngay từ đầu năm 2019. 

Việc gia tăng XK rau, quả vào các thị trường khó tính không chỉ giúp tăng kim ngạch cho ngành rau, quả mà còn giúp đa dạng hóa thị trường XK sản phẩm này. Đơn cử, năm 2015, sau khi trái vải được XK vào thị trường Australia, nhiều thị trường khác cũng "mở cửa" cho trái cây này như Pháp, Malaysia, Thái Lan… Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết, việc mở được nhiều thị trường XK mới, đồng thời với việc đưa trái vải Nam tiến, đã giúp giá vải bình quân tăng 3.000 đồng/kg ngay trong năm 2015. Với sản lượng khoảng gần 200.000 tấn trái vải/năm, giá trị thu được không hề nhỏ. 

Với thị trường Hoa Kỳ, để được cấp phép XK, vùng trồng phải đáp ứng được những quy định khắt khe. Đơn cử, tại vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) - khu vực đầu tiên được XK vú sữa sang Hoa Kỳ, để trái đạt tiêu chuẩn, khu vực trồng vú sữa phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, hạn chế phun các loại thuốc mà phía Hoa Kỳ đã cảnh báo. Hơn nữa, phải tiến hành bao trái, cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Đổi lại, trái vú sữa XK tại vườn được bán với giá cao gấp 3 lần trong nước. 

Duy trì chất lượng

Việc được các thị trường khó tính chấp nhận NK là tin vui cho rau, quả Việt Nam, nhưng giữ được vị thế mới là điều quan trọng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy dẫn chứng, năm 2015, khi trái vải mới được cấp phép, nhu cầu tăng vọt ở thị trường Australia, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh XK, đưa qua nhiều nhưng không tìm hiểu kỹ thị trường. Trái vải thời điểm này vẫn còn bị sâu nhỏ, dính lá non và quả non, bị giữ lại lưu kho để kiểm tra, dẫn đến chất lượng giảm, DN buộc phải giảm giá. Thế nhưng, trái vải hư sẽ gieo trong đầu người tiêu dùng quan niệm là hàng xấu, hàng ôi, giá rẻ nên ảnh hưởng đến những vụ năm sau. Tương tự, một số lô vú sữa đi Hoa Kỳ đang vướng phải vấn đề ruồi đục quả.

Do đó, theo các chuyên gia, với các thị trường khó tính, điều quan trọng là tập trung cho chất lượng và uy tín sản phẩm thay vì quan tâm đến số lượng. Cần tìm hiểu kỹ tập quán và thị hiếu của thị trường, tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, xuất xứ tốt, hơn là chỉ đơn giản cung cấp các chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm giá rẻ. 

Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ