SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do

[14/03/2018 10:23]

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá. Với một văn bản quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa, nghị định được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Bộ Công Thương tạo điều kiện cho DN kê khai giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua mạng

Trong đó, nghị định quy định hàng hoá được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định. Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ.

Nghị định này cũng quy định, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với 3 trường hợp: Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 3 tháng, kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử; Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 6 tháng, kể từ ngày phát hiện thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và tạm dừng cấp trong 6 tháng kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận tiến hành hậu kiểm.

Ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ nêu trên, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có thể áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Để được hưởng ưu đãi từ những FTA đó, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh được xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, một DN ôtô Việt Nam muốn được hưởng thuế suất 0% khi XK sang các nước ASEAN, sản phẩm phải có 40% linh kiện có xuất xứ tại Việt Nam.

Thời gian qua, để tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tuyến; thí điểm cho DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Theo phản ánh của một số DN, việc khai nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tuyến giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 4 - 16 tiếng xuống chỉ còn 1 - 2 tiếng, tạo lợi thế thương mại không nhỏ.

Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ