Thiếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ xuất khẩu gỗ Việt Nam gặp khó
Theo nhận định của đại diện VIFORES, xuất khẩu gỗ của Việt Nam gặp khó khăn vì nhiều doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước còn thiếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn khi CPTPP được triển khai. Ảnh: TTXVN.
Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), trong năm qua, giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 8 tỉ USD, riêng sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỉ USD, tăng 10,2%. Ngành gỗ Việt Nam được xem là đang lớn mạnh và có vị thế trên thế giới. Hiện đồ gỗ Việt Nam chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng hai châu Á và thứ năm trên thế giới.
TS Tô Xuân Phúc nhận định, mặc dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam thời gian qua tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất nhưng trong tương lai có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện cũng đang có những động thái nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam trong thời gian tới.
Liên quan đến những rào cản mà ngành gỗ Việt Nam gặp phải nhất là trong bối cảnh CPTPP vừa được ký kết, ông Nguyễn Tôn Quyền, VIFORES nhận định, khối CPTPP còn có một số quốc gia có ngành công nghiệp gỗ mạnh như Canada, với sản lượng một năm lên tới 600 triệu m3 gỗ. Vì vậy, cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam rất lớn.
Cụ thể, ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan sẽ lập tức xuống bằng 0, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam đặc biệt là trong vấn đề mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VIFORES, vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ bởi hiểu biết về lĩnh vực này của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.
"Chúng ta đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài và họ có quan điểm bảo vệ bản quyền đó. Nếu muốn có thiết kế thì doanh nghiệp phải có thương hiệu, muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ. Và muốn có sở hữu trí tuệ phải có nhân lực, đào tạo…”, ông Quyền chia sẻ.
Phó Chủ tịch Vifores nhấn mạnh, trong thực thi hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ. Do đó, vấn đề sở hữu trí tuệ cần phải được đặc biệt chú trọng hơn nữa trong thời gian tới, các doanh nghiệp cũng phải tự học hỏi, vươn lên; xây dựng nguồn cung gỗ.
VIFORES dự báo trong năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 9 tỉ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), con số trên còn khiêm tốn vì cho đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đủ sức sản xuất cho cả năm và còn có trường hợp một số DN không dám ký tiếp hợp đồng vì lo không đáp ứng kịp đơn hàng.
Được biết, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, riêng Hoa Kỳ chiếm 40,2% tương đương 3,08 tỷ USD, tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 13,6% so với 2016; Trung Quốc chiếm 14,2%, tương đương 1,085 tỷ USD , tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 5,7% so với 2016.
|