Mỹ phẩm giả hết cơ hội 'tung hoành' khi Luật mỹ phẩm được ban hành?
Luật mỹ phẩm sắp được ban hành được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng đang 'tung hoành' hiện nay
Mỹ phẩm rởm tung hoành, người dùng khó nhận biết. Ảnh minh họa
Hiện nay Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ mỹ phẩm lớn của nhiều quốc gia khác với hơn 60.000 loại mỹ phẩm đã được cấp phép, công bố lưu hành. Tuy nhiên tại tọa đàm “Thị trường mỹ phẩm - tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp” vừa diễn ra, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam Đỗ Thanh Lam cho biết: “Tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng đang diễn biến rất phức tạp cả về quy mô, tính chất, địa bàn, đối tượng vi phạm”.
Không chỉ có mỹ phẩm “rởm” với đa dạng các loại hàng giả, hàng nhái mà ngay cả những mặt hàng đã được cấp phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành trong nước cũng đang tiềm ẩn nhiều vấn đề về chất lượng.
Theo Cục Quản lý Dược, pháp luật hiện đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời cam kết không có chất cấm không được sử dụng là có thể được hoạt động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này với các hành vi sai phạm như công thức trong mỹ phẩm không đúng như đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất…
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho rằng, khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm thì trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về cơ quan quản lý mà còn thuộc về doanh nghiệp.
Hiện sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới yêu cầu. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, công thức, giám sát quá trình sản xuất, nguyên phụ liệu, người tham gia sản xuất, hậu mãi… nhưng hầu hết doanh nghiệp mơ hồ về trách nhiệm này.
Đặc biệt, bà Liên cũng chỉ ra, hàng handmade hiện nay rất phát triển nhờ xu hướng bán hàng online. Mặt hàng này thường được sản xuất tại các cơ sở nhỏ hay tại các phòng thí nghiệm nhỏ nên việc kiểm soát về vi sinh vật, độ ẩm, không khí... không sánh được với các cơ sở được trang bị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do giá thành rẻ hơn nên mỹ phẩm handmade lại cạnh tranh với sản phẩm của các hãng lớn. Đây là rào cản cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm một cách bài bản, bà Liên nhận định.
Trước thực tế trên từ năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định (số 93/2016/NĐ-CP) quy định về điều kiện đối với các cơ sở sản xuất bán thành phẩm mỹ phẩm, thành phẩm mỹ phẩm và cơ sở đóng gói mỹ phẩm. Theo đó, các đơn vị liên quan phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP - ASEAN).
Hơn 2 năm kể từ khi Nghị định trên có hiệu lực, để quản lý chặt chẽ hơn những vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn của mỹ phẩm, ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, sắp tới Luật mỹ phẩm sẽ được ban hành với những điều khoản quy định chi tiết các vấn đề liên quan để kiểm soát chặt chẽ chất lượng mỹ phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm lưu hành trên thị trường. Đây được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn mỹ phẩm “rởm” mỹ phẩm kém chất lượng, tạo điều kiện cho các mặt hàng có chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến tay người tiêu dùng.