Pháp hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng, hợp tác KH&CN giữa hai nước sẽ khởi sắc và ghi được nhiều dấu ấn thành công, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế bền vững của hai nước.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã cùng trao đổi về tình hình hợp tác KH&CN, chính sách quốc gia của hai bên về khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, phương hướng và cơ chế hợp tác trong thời gian tới.
Nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 27/3/2018, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã có cuộc hội đàm với bà Frédérique Vidal - Bộ trưởng Bộ Giảng dạy Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp. Tại Hội đàm, hai bên đã cùng trao đổi về tình hình hợp tác KH&CN, chính sách quốc gia của hai bên về khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, phương hướng và cơ chế hợp tác trong thời gian tới.
Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Pháp đã được triển khai từ năm 1977 thông qua Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật ký ngày 27/4/1977. Đến năm 2007, Chính phủ hai nước chính thức ký Hiệp định hợp tác KH&CN. Để triển khai Hiệp định này, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Pháp đã ký Thỏa thuận về Chương trình hỗ trợ trao đổi khoa học “Hoa Sen” với mục đích phát triển các hoạt động hợp tác KH&CN xuất sắc giữa các tổ chức nghiên cứu của hai nước cũng như khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ tham gia.
Sau 10 năm thực hiện chương trình "Hoa Sen", hai bên đã có những trao đổi khoa học về y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh học - dược học, vật liệu mới... Bên cạnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong các lĩnh vực khác cũng được hai bên tích cực đẩy mạnh như hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, sở hữu trí tuệ, công nghệ vũ trụ...
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định tầm quan trọng trong hợp tác KH&CN với Pháp, đồng thời cam kết nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước về KH&CN thông qua nhiều hình thức khác nhau.
“Bên cạnh việc trao đổi khoa học như hai bên đã triển khai thông qua Chương trình Hoa Sen thời gian qua, hai bên cũng cần xem xét một cơ chế hợp tác nghiên cứu chung. Đây là Chương trình mà Việt Nam đã triển khai với nhiều quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả các nguồn lực song phương”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.
Để có thể xây dựng một cơ chế hợp tác nghiên cứu chung, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng trước mắt hai bên cần tích cực triển khai Tuyên bố Ý định hợp tác KH&CN đã ký kết năm 2016. Hai bên sẽ sớm thực hiện khảo sát luân phiên nhằm đánh giá tác động hợp tác KH&CN giữa hai nước trong 10 năm qua, thường xuyên và tích cực trao đổi để tìm ra giải pháp chung và cơ chế mới thúc đẩy hợp tác KH&CN hai nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng, với sự nỗ lực của cả hai bên, hợp tác KH&CN giữa hai nước sẽ khởi sắc và ghi được nhiều dấu ấn thành công, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế bền vững của hai nước.
Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam tặng quà lưu niệm cho bà Frédérique Vidal - Bộ trưởng Bộ Giảng dạy Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp
Về phần mình, bà Frédérique Vidal chia sẻ, Pháp sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam hợp tác nghiên cứu trong trường đại học, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như khuyến khích các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu.
Được biết, Pháp là nước có thế mạnh về năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, môi trường và sinh thái, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, y tế, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Pháp đang xây dựng chiến lược quốc gia về nghiên cứu và đổi mới trên quy mô quốc tế nhằm tăng cường vị trí của mình trong lĩnh vực nghiên cứu. Pháp hiện đứng thứ 7 thế giới về xuất bản các ấn phẩm khoa học và đứng thứ 4 trên thế giới trong hệ thống bằng sáng chế Châu Âu.