‘Ma trận’ hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng Việt khó thoát
Thị trường hàng hóa tại Việt Nam đang gặp nhiều biến động bởi ‘ma trận’ hàng giả, hàng nhái được thực hiện ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng quay cuồng.
Hàng giả được trưng bày để cảnh báo trong hội chợ tiêu dùng. Ảnh Báo Đầu Tư.
“Nhiễu loạn” là một từ để có thể miêu tả về thị trường hàng hóa tiêu dùng Việt Nam thời gian gần đây. Chưa khi nào người tiêu dùng Việt lại trở nên hoang mang như vậy khi hàng loạt các vụ phanh phui về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường. Dư luận nhức nhối với các mặt hàng bị làm giả, làm nhái từ thực phẩm, dược phẩm, đến các đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, thậm chí các nhà chức trách còn phát hiện thêm cả các phụ tùng xe cộ, đồng hồ thậm chí cả răng giả cũng bị làm giả.
Vậy, do đâu mà người tiêu dùng khó thoát khỏi ‘ma trận’ hàng giả, hàng nhái? Câu trả lời chính là ở thói quen tiêu dùng của rất nhiều người Việt. Hiện nay có rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang mua sắm dựa vào niềm tin đối với các thương hiệu. Chỉ cần là sản phẩm của thương hiệu lớn, người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao mà ít chú ý đến nguồn gốc xuất xứ hay khả năng bị làm giả.
Đánh vào tâm lý chủ quan đó, kẻ gian đã ngay lập tức làm giả một cách tinh vi từ bao bì, nhãn mác thậm chí cả tem chống hàng giả, mã vạch. Với công nghệ làm giả tinh vi, những đối tượng xấu dễ dàng sao chép nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng. Nhìn bên ngoài, những bao bì nhãn mác này có màu sắc, kích cỡ, phông chữ không khác gì so với bao bì thật nên rất khó để phân biệt.
Điều đáng nói, những sản phẩm bị phát hiện làm giả gần đây, lại thường là những sản phẩm thông dụng như mì chính, gia vị, bột canh… Người tiêu dùng thường chỉ nhìn vào tên sản phẩm quen thuộc nên hoàn hoàn không ngờ rằng, đó toàn là hàng giả. Nhiều doanh nghiệp luôn phải đối mặt với việc sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái. Hàng nhái kém chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần và doanh thu của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng mang tâm lý hoang mang, có thể quay lưng với sản phẩm.
Thêm vào đó tâm lý ham rẻ, chuộng các chương trình khuyến mãi giảm giá cũng là một điểm yếu mà gian thương lợi dụng để trà trộn hàng hóa kém chất lượng để bán trục lợi. Với thủ đoạn tung ra các chương trình giảm giá đến 90% những sản phẩm được rao bán’miệng’ là hàng chuẩn, hàng chính hãng, nhưng nếu đòi hỏi về giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ thì lại không xuất trình được. Đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến làm đẹp như mỹ phẩm, nước hoa, túi xách… được quảng cáo là hàng hiệu “xách tay”. Các chuyên gia đã khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với những dạng hàng hóa kiểu “xách tay” này, cần kiểm tra thật kỹ giấy tờ xuất nhập, thuế quan tránh vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành thị trường.