SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu gỗ: Cơ hội và rủi ro

[06/04/2018 08:52]

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm năm 2017 đạt tỉ lệ tăng trưởng 12,6% so với kim ngạch năm 2016. Đây là một thành tích rất ấn tượng nhưng với xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam hiện nay, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn do các thay đổi về chính sách tại các thị trường trọng điểm.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhiều biến động từ chính sách

Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triền bền vững” nêu ra tại hội thảo cùng tên diễn ra ngày 27/3, tại Hà Nội nhận định, thời gian tới, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Kim ngạch từ 4 thị trường này chiếm khoảng 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng kim ngạch từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng trưởng từ thị trường này năm 2017 đạt 13,6%, góp phần quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2017.

Hoa Kỳ không chỉ quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam do thặng dư thương mại lớn, mà với xu thế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào chế biến gỗ tại Việt Nam để giảm các chính sách về thuế của Hoa Kỳ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thương mại.

Bên cạnh đó, với ba thị trường lớn khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có nhiều biến động. Điển hình như Trung Quốc là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu USD mỗi năm. Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại quốc gia này. 

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act). Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 5/2017. Hiện Chính phủ đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng Đạo luật này; Chính phủ Hàn Quốc thì đã ban hành Đạo luật sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) và chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018.

Thực thi các Đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới. 

Các sản phẩm từ mây, tre... của Việt Nam đang thu hút các khách hàng từ
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng. Trong những năm gần đây, tăng trưởng thể hiện cả trên khía cạnh mở rộng xuất khẩu và đi vào chiều sâu với tỉ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng đang ngày càng cao, các mặt hàng nguyên liệu thô đang giảm.

Động lực phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu có liên quan mật thiết với nguồn cung gỗ trong nước và tiêu dùng nội địa. Điều này có nghĩa, để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phát triển một cách bền vững trong tương lai cần phải có những chiến lược cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp, trong việc cân đối cung-cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, cân đối giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cân đối giữa các mảng sản xuất khác nhau của ngành…

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD; 300 triệu USD còn lại trong số 8 tỷ là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như sản phẩm mây tre, cói và thảm. Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu lâm sản đặt ra 9 tỷ USD. Mục tiêu này được các doanh nghiệp nhận định tương đối khả thi.

Theo đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu gỗ Việt được xây dựng trên nền tảng của các sản phẩm gỗ “sạch”, tức là truy xuất nguồn gỗ nguyên liệu gỗ rõ ràng, hợp pháp. Chính vì vậy đứng trước cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp ý thức rất rõ ràng việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ “sạch”.

Hiện nay Hiệp định VPA/FLEGT được chính thức được thông qua. Hiệp định này được đánh giá sẽ đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là vào thị trường EU.

Hiệp định là “giấy thông hành” để các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo “Quy chế gỗ Liên minh châu Âu”, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Hiện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang trong quá trình “luật hóa” các nội dung của hiệp định để doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp có thể thực hiện tốt các nội dung và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu lâm sản Việt Nam hiện nay.

Theo baochinhphu.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ