Nghiên cứu thực nghiệm và mô phỏng máy tính sự làm việc của dầm liên hợp thép bê tông cường độ cao.
Đề tài do TS. Ngô Quang Đăng (Trường ĐH Giao thông vận tải) thực hiện nghiên cứu thực nghiệm và mô phỏng máy tính về sự làm việc của dầm liên hợp thép bê tông cường độ cao (BTCĐC).
So
với bê tông thường, BTCĐC có cường độ chịu nén và mô đun đàn hồi cao hơn nhưng
cường độ chịu kéo lại không được cải thiện đáng kể. Do đó, loại vật liệu mới
này chỉ có thể được khai thác một cách có hiệu quả ở những dạng kết cấu thích
hợp.
Mặc dù mới chỉ là bước đầu nhưng các kết quả thí nghiệm và tính toán cho thấy,
việc sử dụng BTCĐC cùng với việc tăng một cách thích hợp diện tích phần thép
trong các kết cấu dầm liên hợp cho phép làm tăng sức kháng và độ cứng của kết
cấu và qua đó, làm tăng chiều dài nhịp dầm. Sự phù hợp giữa kết quả mô phỏng
bằng phương pháp phần tử hữu hạn và kết quả thí nghiệm cho thấy, các mô hình
vật liệu hiện thời có thể được sử dụng để mô hình hóa kết cấu BTCĐC. Điều này
cho phép sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn với các mô hình vật liệu hiện nay
để khảo sát ứng xử của kết cấu dầm liên hợp với các phương án vật liệu và kết
cấu khác nhau để từ đó tìm ra phương án sử dụng vật liệu hợp lý. Sự phá hoại
liên quan đến neo trong kết cấu liên hợp BTCĐC cho thấy cần phải có các nghiên
cứu thêm về khả năng chịu ép mặt cũng như chịu cắt của BTCĐC trong dạng kết cấu
này. Để có thể sử dụng BTCĐC trong kết cấu liên hợp, cần phải có các nghiên cứu
xác định giới hạn hợp lý liên quan đến khả năng chịu lực, tính kinh tế… của
cường độ bê tông trong các dầm liên hợp. Bên cạnh kết cấu liên hợp với phần
thép có dạng dầm, cần thiết phải thực hiện các nghiên cứu với kết cấu liên hợp
có dạng khác như giàn thép hay dầm liên hợp kép.