Sở hữu trí tuệ: Công cụ hữu hiệu phát triển khoa học công nghệ
“Việt Nam đang nỗ lực biến sở hữu trí tuệ (SHTT) thành một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học công nghệ (KHCN)”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân tại buổi tiếp ông Peter Fowler - Tuỳ viên SHTT phụ trách khu vực Đông Nam Á của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) mới đây tại Hà Nội.
Ông Peter Fowler cho biết, quan hệ hợp tác giữa Cục SHTT và USPTO đã được xây dựng từ năm 1995 và dần dần được đẩy mạnh. Cục SHTT và USPTO đã triển khai các hoạt động cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp, tổ chức các đoàn cán bộ cao cấp sang thăm và làm việc, cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề SHTT của Việt Nam trong nhiều khuôn khổ hoạt động khác nhau, mời cán bộ của Việt Nam tham dự các khoá đào tạo về SHTT do Hoa Kỳ phối hợp với các đối tác khác tổ chức...
Tại các nước phát triển đã sử dụng quyền SHTT như một công cụ chính trị - kinh tế đắc lực để hỗ trợ sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bảo hộ sáng chế được sử dụng như một công cụ đặc biệt để: Định hướng phát triển công nghiệp; Hấp dẫn đầu tư có chọn lọc; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy phát huy sáng kiến cải tiến khai thác công nghệ; Bảo vệ doanh nghiệp trong nước; và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong thời đại toàn cầu hóa, quyền SHTT đã trở thành một yếu tố hấp dẫn đầu tư quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư trực tiếp.
Lượng đăng ký quyền SHTT tăng khá nhanh, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Theo thống kê, tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp gia tăng qua các năm. Riêng năm 2010 đã có gần 34.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong các loại hình bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu (thương hiệu) chiếm 84% số đơn đăng ký; Số đơn đăng ký sáng chế chiếm 9%, đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp 6% và đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích chỉ chiếm 1%. |
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, Việt Nam rất coi trọng quyền SHTT của các tổ chức và cá nhân. Năm 2005, Việt Nam đã ban hành Luật SHTT và đến năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung luật phù hợp với tình hình mới. Việt Nam cũng đã sửa đổi Bộ Luật hình sự để có những hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm về SHTT. Nhờ đó, trong trong những năm gần đây việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.
Việt Nam vừa mới ra khỏi ngưỡng của một nước kém phát triển, trình độ phát triển còn thấp nên những vi phạm về SHTT là vấn đề không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như Hiệp định TRIPS của WTO. “Việt Nam đang nỗ lực biến SHTT thành một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển KH&CN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ từ ông Peter Fowler cũng như USPTO và Chính phủ Hoa Kỳ trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng hệ thống thực thi quyền SHTT, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư cho lĩnh vực tuyên truyền nhằm truyền tải tới công chúng vai trò bảo vệ quyền SHTT đối với đời sống, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về SHTT Việt Nam...
Đặc biệt, sắp tới khi Bản ghi nhớ giữa Cục SHTT Việt Nam và USPTO được ký kết sẽ là một bước phát triển mới, đánh dấu mức độ hợp tác cao hơn giữa hai cơ quan. Việc triển khai Bản ghi nhớ sẽ đem lại hiệu quả cao, hỗ trợ sự phát triển của hệ thống SHTT hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cơ quan và Chính phủ hai nước./.