SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vi phạm an toàn thực phẩm: Vẫn tình trạng 'cha chung không ai khóc'?

[11/04/2018 10:36]

Để xử lý có hiệu quả vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), cần xác định chính xác cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm.

Thời gian qua, tình hình ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp. Ảnh: Thanh Niên

An toàn thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nóng

Trong những năm gần đây, nền kinh tế của nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại.

Từ đó, đã xuất hiện hành vi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước; để lại tồn dư các hóa chất trong thực phẩm; sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất bị lạm dụng; tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá các chương trình hành động đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP trên toàn cầu đã xác định được nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em là các bệnh đường ruột, phổ biến là tiêu chảy. Đồng thời cũng nhận thấy nguyên nhân gây các bệnh trên là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm.Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.

Điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới cũng cho thấy, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Như vậy, có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng. 

Trước thực tế đó, đại diện cho phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng phòng Truyền thông Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng.

Tuy nhiên, bà Yến cũng thừa nhận, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP.

Đánh giá vấn đề truyền thông về ATTP từ góc nhìn của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng: “Hiệu quả công tác truyền thông chưa cao, chưa kết nối được thực phẩm sạch hay các địa chỉ xanh với người tiêu dùng. Đôi khi chưa công khai được cơ sở vị phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng. Truyền thông tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về ATVSTP của người dân còn rất hạn chế…”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện nay, truyền thông về thực trạng ATTP là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm, tuy nhiên kết quả thu được vẫn còn rất hạn chế. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân căn bản khiến công tác xử lý tình trạng vi phạm ATTP chưa hiệu quả là bởi câu trả lời cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, một trong những cản trở khiến cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai trở nên khó trả lời mỗi khi có một vụ việc vi phạm về ATTP, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là xuất phát từ chính hạn chế trong nhận thức về luật ATTP.

Theo ý kiến tham luận của nhà báo Anh Tuấn (VTV24) tại "Hội thảo Hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm" tổ chức mới đây, cho tới hiện tại, nhiều người vẫn hiểu theo tinh thần của pháp luật cũ trước năm 2010, khi vẫn nói “ruộng chuồng của bộ Nông nghiệp, chợ của bộ Công thương, bàn ăn của bộ Y tế”. Nghĩa là, một sản phẩm thực phẩm vi phạm thì cơ quan nào cũng phải chịu trách nhiệm - từ nơi trồng trọt, chăn nuôi cho đến lúc lên bàn ăn. Điều này dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, tức là không ai chịu nhận trách nhiệm về mình khi xảy ra vi phạm.

Cần làm rõ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm ATTP. Ảnh: Chi cục VSATTP An Giang

Còn từ năm 2010 đến nay, việc quản lý được thực hiện theo ngành dọc. Đối với từng sản phẩm, gần như chỉ có một ngành chịu trách nhiệm quản lý từ khâu sản xuất kinh doanh đến bao bì đóng gói sản phẩm đó. Ví dụ như, đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng thì thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Y tế. Còn đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột… thì lại thuộc ngành Công thương.

Khi đã nắm rõ quy định như vậy, đối với mỗi vụ việc, đều có thể xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan nào, ngành nào… và báo chí có thể chất vấn rất đúng trọng tâm, có được những câu trả lời chính xác để phản ánh đến công chúng.

Theo như nhà báo Tuấn Anh (VTV24) có chia sẻ: "Lâu nay, gần như việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý hoặc là sờ tới. Dù cho, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý đã rất rõ trong luật An toàn thực phẩm hiện nay". 

Không chỉ ở cấp Trung ương mà theo luật định, trách nhiệm cũng được chỉ rõ ở quản lý cấp địa phương. Bởi có một điều mà chính lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan thừa nhận, đã có rất nhiều cuộc thanh tra nhưng đến cuối cùng, người bị xử lý lại là cơ sở sản xuất tiểu thương, còn các cơ quan quản lý địa phương hầu như không bị sờ tới.

Chính vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương từ cấp phường, xã cho đến quận huyện khi xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm thì vấn nạn về ATTP mới được xử lý có hiệu quả hơn.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ